Khám phá Óc Eo

Nằm ẩn mình dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ (huyện Thoại Sơn), Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là niềm tự hào của người dân An Giang và là một kho tàng lịch sử, văn hóa vô giá của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Năm 2012, Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện, đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Khu di tích có tổng diện tích bảo vệ 433,2ha, chia ra Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê 143,9ha, Khu B ở cánh đồng Óc Eo 289,3ha.

Một số di tích tiêu biểu đã khai quật, bảo tồn, như: Di tích trong khu vực chùa Linh Sơn, Di tích Nam Linh Sơn Tự, Di tích Gò Cây Me (Gò Sáu Thuận), Di tích Gò Út Trạnh… Ngày nay, Óc Eo trở thành một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, được bảo tồn và phát huy giá trị. Du khách đến đây có thể tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, nơi trưng bày các hiện vật khảo cổ quý giá và khám phá các di tích còn sót lại của thành phố cổ.

Điển hình, Di tích Gò Cây Thị cách Di tích Gò Óc Eo về phía Tây Nam khoảng 500m, cách Gò Giồng Cát về phía Đông Bắc khoảng 500m và cách Di tích khảo cổ ở chùa Linh Sơn về phía Tây Bắc khoảng 2.000m. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2002, có mái che bảo vệ kiên cố toàn bộ diện tích đã khai quật. Di tích được phát hiện năm 1942 và khai quật năm 1944 (ký hiệu là Kiến trúc A). Năm 1999, tiến hành khai quật lộ thiên, phát hiện có 2 kiến trúc riêng biệt trong cùng khu vực nên các nhà khảo cổ đặt tên là Gò Cây Thị A và B.

Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê

Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê

Một trong những điểm tham quan thu hút đông du khách chính là chùa Linh Sơn. Chùa Linh Sơn ở sườn đông núi Ba Thê, hiện đang lưu giữ 2 hiện vật độc đáo của nền văn hóa Óc Eo là 2 bia đá cổ và tượng thần Vishnu có niên đại khoảng thế kỷ V sau Công nguyên. Chùa được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1988. Hai bia đá cổ làm bằng đá phiến đen, phát hiện năm 1879 ngay tại vị trí chùa Linh Sơn, trong đó chỉ còn 1 bia có chạm khắc chữ Sanskrit (tiếng Phạn). Tượng đá được phát hiện tháng 7/1912 là tượng thần Vishnu 4 tay bằng đá sa thạch màu xám đen cao khoảng 3,3m, mũ hình trụ tròn. Sau khi mang về để giữa 2 bia đá, người dân địa phương đã cải biến thành tượng Phật ngồi để thờ cúng theo phong tục người Việt nên chùa Linh Sơn còn gọi là chùa Phật Bốn Tay.

Qua nhiều đợt điều tra, thám sát, khảo sát và khai quật khảo cổ của các học giả Pháp và Việt Nam, nhất là cuộc khai quật năm 1998 - 2001 và năm 2017 cho thấy, trong lòng đất khu vực chùa Linh Sơn chứa đựng nhiều di tích kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn, đặc biệt là đã phát hiện hệ thống tường bao có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX, được xây dựng bằng gạch, có xu hướng tiếp tục phát triển vào trung tâm dưới nền chùa, là minh chứng cho một kiến trúc lớn, kiên cố đã từng tồn tại và hiện đang vùi lấp. Trong khuôn viên chùa còn tìm được nhiều loại hình di vật, như: Bình gốm, vò gốm, các loại ngói trang trí kiến trúc với điểm đặc sắc ở nghệ thuật trang trí diềm của các viên ngói; bàn nghiền, con lăn, những chân tảng cột, tấm đan, bậc thềm, trụ cửa… bằng đá có niên đại tương ứng với kiến trúc.

Bên cạnh đó, du khách đến vùng đất này có thể tham quan Di tích Gò Cây Me còn có tên gò Sáu Thuận nối liền với kiến trúc trung tâm ở chùa Linh Sơn về phía Tây. Năm 2001, khai quật ở địa điểm đặt tên là Gò Cây Me đã làm xuất lộ một tập hợp phức tạp, gồm: Những bức tường xây bằng gạch tái sử dụng, phần lớn được xây trên đường móng đá hoa cương cùng những mảnh cà ràng, bình, nồi gốm và nhiều xương động vật, là một di chỉ cư trú.

Đặc biệt, đợt khai quật toàn diện năm 2017 - 2020, đã phát hiện các lối đi kè gạch - đá và nhiều kiến trúc gạch trải rộng xung quanh. Căn cứ vào bình đồ phân bố và hình dạng các nền móng kiến trúc còn lại, nhận định bước đầu đây là kiến trúc ngoại vi có chức năng như một khu cổng và đường dẫn vào kiến trúc trung tâm ở chùa Linh Sơn. Cùng các di chỉ cư trú đã phát hiện trước đây, Di tích Gò Sáu Thuận được ước định có niên đại kéo dài từ đầu Công nguyên đến thế kỷ X - XII.

Từ những biểu hiện vật chất còn lại của Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã minh chứng sự tồn tại của một nền văn hóa gắn liền với Vương quốc Phù Nam - một quốc gia giàu có và hùng mạnh ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII. Với giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ học to lớn, Óc Eo - Ba Thê có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Việc đầu tư và phát triển du lịch tại đây không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kham-pha-oc-eo-a417859.html