Khám phá Tết ba miền
Sau những ấn phẩm sách tranh khai thác văn hóa, ẩm thực được bạn đọc yêu thích, mới đây, tác giả kiêm họa sĩ Lê Rin vừa trở lại với Tết ba miền (Thái Hà Books và NXB Công thương). Ấn phẩm dẫn dắt độc giả vào hành trình khám phá không khí tết cổ truyền của ba miền Bắc - Trung - Nam qua góc nhìn đầy sáng tạo.
Mặc dù định danh là Tết ba miền nhưng Lê Rin không chia cuốn sách của mình theo khu vực. Anh chọn những khoảnh khắc theo thời gian, từ đó mà không khí tết của ba miền Bắc - Trung - Nam được khắc họa, quyện hòa vào nhau: Mười lăm tháng Chạp, Hai mươi ba tháng Chạp, Hai mươi bốn tháng Chạp, Hai mươi lăm tháng Chạp, Hai mươi bảy tết, Hai mươi chín tết, Ba mươi tết, Mùng Một Tết, Mùng Hai Tết, Mùng Ba Tết… Nhờ đó, cuốn sách giống như một bức tranh sống động tái hiện không khí chuẩn bị tết của người Việt. Đây không chỉ là những trang sách, mà còn là một hành trình khám phá nét đẹp văn hóa tết qua các hoạt động và đồ vật đặc trưng của mỗi giai đoạn.
Từ những ngày đầu tháng Chạp là hình ảnh các gia đình tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ thờ cúng và nhặt lá mai để cây kịp ra hoa đúng dịp. Khi đến ngày 23 tháng Chạp, không khí trở nên trang trọng hơn với lễ cúng ông Công, ông Táo - một nghi thức truyền thống tiễn Táo quân về trời. Sau đó, từng mốc thời gian được khắc họa sinh động qua các hoạt động như gói bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả, mua sắm tết ở chợ hoa; hay làm các món ăn quen thuộc như dưa hành, nem rán, giò thủ...
Tết ba miền không chỉ kể về tết mà còn tái hiện sống động những phong tục, tập quán độc đáo: từ cảnh gói bánh tét bên bếp lửa hồng, làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên, đến nghệ thuật chế tác đầu lân tinh xảo ở Chợ Lớn hay khung cảnh tấp nập tại chợ hoa Sa Đéc... Qua đó, tác giả không chỉ mang lại cho độc giả những thước phim ký ức đong đầy cảm xúc mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị cội nguồn và sự giao thoa tinh tế giữa truyền thống với hiện đại.
Đặc biệt, Lê Rin đã khéo léo khắc họa hình ảnh tết không chỉ như một dịp lễ hội mà còn là không gian văn hóa chứa đựng những bài học sâu sắc về tình yêu thương, ơn nghĩa, sự sẻ chia. Tết là lúc người ta dựng cây nêu để xua đuổi tà ma, cúng ông Công, ông Táo tiễn các vị thần về trời, hay cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét để dâng cúng tổ tiên. Những phong tục như vẽ tranh Đông Hồ, làm mứt dừa hay chơi bài Tam Cúc cũng được tái hiện một cách chân thực, thể hiện sự gắn bó giữa con người với văn hóa dân gian.
Giống như các ấn phẩm trước đây như Việt Nam miền ngon hay Việt Nam dọc miền du ký 1, 2, ở Tết ba miền, Lê Rin cũng đích thân thể hiện phần hình ảnh cho cuốn sách của mình. Với phần minh họa màu nước tinh tế, không gian văn hóa, các nghi thức, phong tục ngày tết được hiện lên đầy sống động và trực quan. Sách còn được thực hiện theo phương thức song ngữ Việt - Anh, như một cách để lan tỏa giá trị của tết cổ truyền đến bạn đọc quốc tế.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kham-pha-tet-ba-mien-post778486.html