Khám phá Thăng Long tứ trấn: Bài 4 - Ngôi đền thiêng hễ cầu tất ứng

Đền Kim Liên hay còn gọi là đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn đại vương – vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn bình yên trong cuộc sống.

Thần tích Cao Sơn đại vương

Trước đây, đền Kim Liên thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức và nay là phường Phương Liên (quận Đống Đa, TP. Hà Nội).

Đền Kim Liên là một trong “Thăng Long tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa. Ngay từ khi dựng đô, các triều vua đã tìm thấy niềm tin vào kinh thành bền vững, thấy các hướng đều có vị phúc thần che chở, bảo vệ.

Qua các tư liệu thư tịch, văn bia, câu đối, sắc phong về di tích đều khẳng định đền Kim Liên là nơi thần Cao Sơn, một nhân vật quan trọng trong Điện Thần Việt Cổ. Theo văn bản cổ nhất có niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1510) có ghi tên di tích “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ”.

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền, Cao Sơn đại vương là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên) chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ và sau được thờ là vị Thần thứ hai trong đền Và (Sơn Tây, Hà Nội).

Đến triều Lê, Lê Mẫn (Uy Mục Đế) thất đức, hung bạo càn rỡ có mưu đồ lật đổ Lê Tương Dực. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), nhà vua lánh nạn vào Tây Đô dấy binh khởi nghĩa, khôi phục lại nghiệp của vua Cao Tổ, cứu vớt dân lành.

Bấy giờ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương" thì thấy làm lạ bèn cúi lạy ngầm khẩn cầu thần phù trợ.

Quả nhiên, chưa đầy một tuần nghiệp lớn đã thành công. Cùng năm đó, vào ngày mùng 2 tháng Chạp, nhà vua giành lại ngai vàng. Để tưởng nhớ đến công ơn của thần, nhà vua đã cho dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long vào năm 1509. Đồng thời sai sử thần soạn văn bia lưu truyền mãi mãi để sớm hôm hương khói báo đáp ơn thần.

Ngôi đền "hễ cầu tất ứng"

Đền Kim Liên vốn ban đầu nằm ở làng Đồng Lầm, là một vùng đầm lầy lội, chủ yếu là vùng trũng. Thời xa xưa Đồng Lầm là vùng có tên đẹp Kim Hoa, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đến khoảng đầu đời vua Thiệu Trị, được đổi tên là Kim Liên, sau là tổng Kim Liên vì kiêng tên húy của mẹ vua là Hồ Thị Hoa.

Giải thích lý do tại sao đền Kim Liên còn có tên gọi khác là đình Kim Liên, vị thủ từ trông coi đền Kim Liên cho biết, trước đây đền được dùng làm trung tâm hoạt động của những việc lớn của làng, cho nên đã mang chức năng của một ngôi đình và gọi theo tên làng nên mới có tên là đình Kim Liên như hiện nay.

Đền thờ thần Cao Sơn đại vương là di tích của kinh thành Thăng Long xưa, đánh dấu mốc giới phía nam kinh thành Thăng Long cùng với các vị thần Long Đỗ trấn giữ phía Đông (đền Bạch Mã), Linh Lang đại vương trấn giữ phía Tây (đền Voi Phục Thủ Lệ), thần Huyền Thiên trấn giữ phía Bắc (đền Quán Thánh); tượng sự cho sự canh giữ, bảo vệ cho kinh thành.

Kiến trúc của đền bao gồm hai phần: phần trước có trụ biểu, một sân gạch rộng. Đi hết khoảng sân, bước lên chín bậc gạch là kiến trúc chính của đền, nằm trên gò đất cao: nghi môn, đại bái, hậu cung.

Trong đền, các họa tiết tỉ mỉ, được trang trí sơn son thếp vàng gợi lên huyền ảo chốn linh thiêng. Nhà đại bái gồm 5 gian trong đó gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn đại vương và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương công chúa và con gái vua Lê là Huệ Minh công chúa).

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đền Kim Liên vẫn còn lưu giữ 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn đại vương, trong đó 26 dạo dưới thời vua Lê Trung Hưng, 13 đạo dưới thời nhà Nguyễn. Ngoài ra, trong đền Kim Liên còn một số công trình khác như nhà tả vu, hữu vu, hồ bán nguyệt…

Đặc biệt, di vật quan trọng nhất của đền Kim Liên là tấm bia đá rất lớn bên cây si có gốc to hơn chục người ôm, khắc chữ: “Cao Sơn đại vương từ bi minh” cao 2,34m - rộng 1,57m - dày 0,22m do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 để nói về công lao của thần Cao Sơn đại vương.

Trong văn bia có đoạn viết:

Cao Sơn lừng danh

Vòi vọi oai linh

Hễ cầu tất ứng

Ban khắp ơn lành

Gặp thời vận rủi

Trời sinh thánh minh

Đền Kim Liên được Bộ Văn hóa nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh mục Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, đền Kim Liên cùng các di tích thuộc Thăng Long tứ trấn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93/QĐ-KGVX ngày 18/1/2022.

Để nhớ đến ơn thần Cao Sơn đại vương, vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm, người dân làng Kim Liên tổ chức lễ hội truyền thống với phần lễ và phần hội. Phần hội là phần quan trọng vì sẽ tạo ra không khí hân hoan, gắn kết tình làng xóm với các trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ.

Đặc biệt, trong hội làng Kim Liên, người dân chuẩn bị mâm cỗ 7 tầng để dâng lên ngài. Mâm cỗ được làm từ những sản vật địa phương thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với Cao Sơn đại vương đã phù trợ cho cuộc sống của nhân dân, mùa màng bội thu, giảm bớt thiên tai.

"Thăng Long tứ trấn" gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông; Đền Voi Phục trấn phía Tây; Đền Kim Liên trấn phía Nam; Đền Quán Thánh trấn phía Bắc. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau: thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã, thần Cao Sơn thờ ở đình Kim Liên, thần Linh Lang thờ ở đền Voi Phục và thần Trấn thờ ở đền Quán Thánh.

Việc thờ 4 vị thần trong "Thăng Long tứ trấn" không chỉ xác định địa giới của kinh thành Thăng Long mà còn là đại diện cho những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo với những huyền thoại dân gian gắn liền với lịch sử phát triển của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Bài liên quan

Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 1 - Huyền tích đền Quán Thánh

Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 2 - Độc đáo đền thờ "thần bảo hộ" của kinh thành Thăng Long

Khám phá "Thăng Long tứ trấn": Bài 3 - Huyền thoại đền thờ hoàng tử đánh giặc cứu nước

Đền Quán Thánh - Ngôi đền linh thiêng bậc nhất Thủ đô Hà Nội

Nhóm PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/kham-pha-thang-long-tu-tran-bai-4-ngoi-den-thieng-he-cau-tat-ung-d187463.html