Khám phá thời sơ sử qua các hiện vật quý

Với hơn 150 ảnh, tài liệu, hiện vật được làm từ nhiều chất liệu như: Đá, gốm, kim loại, thủy tinh... thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh, Trưng bày chuyên đề 'Bãi Cọi-Nơi gặp gỡ các nền văn hóa' đã dẫn dắt khách tham quan về thời sơ sử miền Trung Việt Nam.

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi và các địa điểm xung quanh như: Bãi Lòi, bãi Phôi Phối (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với hai loại hình mộ chính là mộ huyệt đất và mộ chum được chôn xen kẽ. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của Di tích Bãi Cọi là trong các mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh có các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn, ngược lại, trong các mộ huyệt đất thuộc văn hóa Đông Sơn lại gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh và cả những hiện vật thuộc văn hóa đồ sắt Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Di tích khảo cổ học Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt thám sát và khai quật, trong đó, đáng chú ý nhất là các đợt nghiên cứu, khai quật do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện từ năm 2008 đến 2012. Kết quả khai quật cho thấy, Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, mang đặc trưng của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Điều đó chứng tỏ, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Vì vậy, Di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời sơ sử ở Việt Nam. Với vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích khảo cổ học Phôi Phối-Bãi Cọi là Di tích quốc gia.

 Khách tham quan Trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi-Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”.

Khách tham quan Trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi-Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”.

Biết tin Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi-Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”, trong lần du lịch Thủ đô này, chị Hoàng Thị Diệu Thúy (36 tuổi, quê Nam Định) cùng hai con gái đã tới bảo tàng để tìm hiểu về các tư liệu, hiện vật được trưng bày tại đây. Chị Thúy cho biết: “Tôi không muốn bỏ lỡ dịp đặc biệt này. Những tư liệu, hiện vật chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, giúp các con tôi có thêm nhận thức về lịch sử phát hiện, nghiên cứu Di tích Bãi Cọi”.

Không chỉ cung cấp tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn sơ sử miền Trung Việt Nam, trưng bày còn ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Thông qua các hiện vật, tài liệu bằng nhiều hình thức trưng bày mang tính khoa học, thẩm mỹ cao, trưng bày cho thấy tính hiệu quả của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học; đồng thời góp phần bổ sung tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói riêng, nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung. Trưng bày được mở đến hết tháng 4-2021. Sau trưng bày tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết sẽ tiếp tục tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Hà Tĩnh để góp phần tuyên truyền, giới thiệu về giá trị văn hóa của Di sản khảo cổ học Bãi Cọi tới đông đảo công chúng.

Bài và ảnh: UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/kham-pha-thoi-so-su-qua-cac-hien-vat-quy-644765