Khám phá tục tẩu hôn tại 'Nữ nhi quốc'
Người Moso được biết đến như một cộng đồng duy nhất tại Trung Quốc còn duy trì chế độ mẫu hệ và tập tục 'tẩu hôn', phụ nữ Moso được tự do luyến ái và những đứa trẻ sinh ra không cần biết cha mình là ai.
Hồ Lư Cổ có chu vi khoảng 15 km, ở bờ bắc của hồ có ngọn núi Cách Mẫu tuyệt đẹp hay còn gọi là Nữ Sơn, người Moso coi đây là hiện thân của nữ thần. Từng cành cây, ngọn cỏ nơi đây đều được gắn với truyền thuyết về người phụ nữ nên nhiều người còn gọi vùng đất này là "Nữ nhi quốc".
Người Moso là cộng đồng duy nhất tại Trung Quốc còn duy trì chế độ mẫu hệ và tập tục "tẩu hôn" nam không dựng vợ, nữ không gả chồng. "Tẩu hôn" hay còn gọi là "thăm hôn" trong tiếng Moso là "sắc sắc", là một bộ phận không thể tách rời trong văn hóa Moso và cũng là tập tục được nhiều người biết tới.
Trong hình thức tẩu hôn "nam không dựng vợ, gái không gả chồng" của người Moso, con trai, con gái Moso đều ở trong gia đình mẫu hệ của mình suốt đời. Buổi tối, các chàng trai sẽ tới nhà các cô gái để ân ái thâu đêm rồi tới sáng sớm hôm sau lại trở về nhà mình, cả hai đều không phải là thành viên trong gia đình đối phương. Những chàng trai, cô gái có quan hệ "tẩu hôn" sẽ gọi nhau là "A Tiêu" hay "Tiêu Ba", "A Tiêu" cũng để thân mật nhất trong quan hệ nam nữ vì trong tiếng Moso không có từ "vợ", "chồng".
Các cô gái Moso trưởng thành sẽ được ở trong "hoa lầu" của mình để chờ "A Tiêu". Một "hoa lầu" gồm khoảng 4-5 căn phòng nhỏ, các bức tường đều được làm bằng gỗ, trạm khắc tỉ mỉ. Mỗi gian phòng đều được trang trí bắt mắt với nhiều màu sắc sặc sỡ và sẽ là nơi hẹn hò của các "A Tiêu" sau những đêm hát đối.
"Tẩu hôn" không đồng nghĩa với "loạn hôn", "quần hôn" mà có những nguyên tắc riêng của nó: những người có quan hệ họ hàng sẽ không được phép "tẩu hôn", không được kết giao với nhiều A Tiêu cùng lúc, khi nam nữ có tình cảm với nhau thì có thể "tẩu hôn", tình cảm hết thì mối quan hệ tẩu hôn cũng chấm dứt...
Thông thường, những cô gái Moso sẽ không tẩu hôn với người ngoại tộc. Nghe nói tới tập tục tự do luyến ái của người Moso, một số chàng trai ở nơi khác tìm tới "Nữ nhi quốc" để giở trò nhưng đều bị trục xuất.
Trong gia đình, những người con không quan tâm cha họ là ai nhưng họ rất hòa thuận với nhau và coi nhau như anh em ruột thịt. Họ cũng không phản đối chuyện mẹ mình tiếp tục tẩu hôn với những người đàn ông khác và sinh ra những đứa em cùng mẹ khác cha.
Theo người Moso, ưu điểm lớn nhất của tẩu hôn là mọi người được sống tại nhà mẹ đẻ, cả nhà cùng nhau làm lụng và chỉ có cả gia đình cùng nhau giúp sức thì mới tạo ra được nhiều của cải khi sống ở miền sơn cước này.