Khám phá vẻ đẹp được bảo tồn qua thời gian của phố cổ Trung Quốc
Phố cổ Lệ Giang, Ba phường bảy ngõ, phố cổ Bình Giang, Vĩnh Khánh phường… là những điển hình về phát triển du lịch hài hòa và bền vững tại Trung Quốc.

Sự giao thoa giữa nét cổ kính và hơi thở của thời đại mang đến nét hấp dẫn cho các phố cổ ở Trung Quốc. (Nguồn: Unesco)
Những khu phố cổ, hẻm xưa và những tòa nhà cổ kính là một phần của nếp sống đô thị, mang đậm dấu ấn của thời gian. Những năm gần đây, cùng với quá trình kế thừa và bảo vệ di sản lịch sử, văn hóa, các phố xưa, ngõ cũ đã được tôn tạo, mang đến diện mạo mới cho các địa điểm cũ.
Phố cổ Lệ Giang
Cách đây hàng trăm năm, Từ Hà Khách, nhà Địa lý học nổi tiếng của Trung Quốc thế kỷ XVII, đã tới thăm phố cổ Lệ Giang (tỉnh Vân Nam) và đặc biệt ấn tượng với nơi đây bởi những ngôi nhà cổ, được bao quanh bởi đồi núi trập trùng và thung lũng xanh mướt.

Một con đường cổ kính ở phố cổ Lệ Giang. (Nguồn: Unesco)
Nằm trên vùng cao nguyên ở độ cao 2.400m, khu phố cổ Lệ Giang được chia làm 3 phần tách biệt: Đại Nghiên cổ trấn (Dayan), Bạch Sa cổ trấn (Baisha) và Thúc Hà cổ trấn (Shuhe). Tại phố cổ Lệ Giang, cảnh quan vẫn được gìn giữ một cách hiệu quả và chân thực. Kiến trúc tại đây nổi bật nhờ sự pha trộn của nhiều nền văn hóa đã kết hợp với nhau qua nhiều thế kỷ.
Bên trong các khu phố cổ, những ngôi nhà lợp ngói nằm san sát cạnh nhau, xen kẽ những cây cầu và ngõ hẻm là dòng suối trong vắt uốn lượn men theo các con phố.
Tại cuộc họp lần thứ 21 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO ngày 4/12/1997, phố cổ Lệ Giang được công nhận là mô hình kinh điển về bảo tồn bản sắc dân tộc đậm đà kết hợp cảnh quan thiên nhiên tạo ra giá trị đặc biệt.
Đến nay cảnh quan khu phố cổ Lệ Giang vẫn được gìn giữ một cách chân thực và được đánh giá là một trong những điển hình về phát triển du lịch hài hòa và bền vững tại một khu phố cổ nơi vẫn còn người dân sinh sống.
Tuy vẫn giữ đậm nét cổ kính nhưng việc ứng dụng các công nghệ mới như 5G, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo... đã giúp phố cổ Lệ Giang trở nên hiện đại và trẻ trung hơn.
Khu lịch sử và văn hóa “Ba phường bảy ngõ”

Mái ngói đặc trưng của “Ba phường bảy ngõ”. (Nguồn: THX)
“Ba phường bảy ngõ” (tam phường, thất hạng) là khu phố cổ nổi tiếng, được coi là biểu tượng văn hóa truyền thống của thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc.
“Ba phường bảy ngõ” có nguồn gốc từ thời nhà Tấn, phát triển từ thời Đường, Tống, và đạt đến đỉnh cao vào thời Minh, Thanh.
“Ba phường bảy ngõ” không chỉ là một khu dân cư cổ mà còn là quê hương của nhiều nhân vật lịch sử quan trọng của Trung Quốc như Lâm Tắc Từ, Thẩm Bảo Trinh, Nghiêm Phục, Lâm Giác Dân, Băng Tâm …. Chính vì thế, đây được ca ngợi là nơi sinh ra “một phần lịch sử cận đại của Trung Hoa”.
Sở dĩ được gọi là “Ba phường bảy ngõ”, bởi cả quần thể kiến trúc được cấu thành bởi ba phường, gồm: Y Cẩm, Văn Nho và Quang Lộc, đều là nơi sinh sống của quan lại, danh sĩ trong các triều đại phong kiến Trung Quốc; bảy ngõ, gồm: ngõ Dương Kiều, ngõ Lang Quan, ngõ Tháp, ngõ Hoàng, ngõ An Dân, ngõ Cát Tí và phố Nam Hậu.
Nơi đây là cụm công trình kiến trúc độc đáo, được bảo tồn lại sau quá trình di dời, tái thiết khu thành cổ Phúc Châu.
Trong suốt thời gian dài, việc bảo tồn và trùng tu khu phố “Ba phường bảy ngõ” luôn được thực hiện một cách bài bản, với sự tham gia của các chuyên gia xây dựng quy hoạch bảo vệ chặt chẽ. Hiện nay, cả khu vực “Ba phường bảy ngõ” còn 270 ngôi nhà cổ, trong đó 159 ngôi nhà cổ được đưa vào danh mục kiến trúc được bảo tồn.
Ban đầu, mục tiêu là bảo tồn nguyên trạng kiến trúc cổ. Sau đó, chính quyền địa phương đã phát huy giá trị khu phố bằng cách biến nơi này thành một trung tâm văn hóa - du lịch, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại. Sự giao thoa giữa nét cổ kính và hơi thở của thời đại đã khiến nơi này ngày càng thu hút đông đảo du khách trẻ tuổi.
Phố cổ Bình Giang

Khung cảnh cổ kính, trầm mặc của con phố cổ 2.500 tuổi. (Nguồn: incyvincyspider)
Phố cổ Bình Giang là một con phố lịch sử rất nổi tiếng tại Tô Châu với cảnh quan đặc trưng “đường thủy song hành, sông phố kề nhau, cầu nhỏ nước chảy và những ngôi nhà cổ kính.
Đến với phố cổ Bình Giang, bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà cũ tuyệt đẹp với bức tường trắng gạch xanh và những ô cửa sổ lưới bằng gỗ với màu nâu đỏ hoặc nâu đen rất bình dị, cổ kính hay những ngôi nhà với dây leo mọc kín bức tường, đung đưa trong gió.
Sau hàng ngàn năm lịch sử, hệ thống đường phố và những con kênh của phố cổ Bình Giang vẫn giữ nguyên nét đẹp vốn có tựa như một thị trấn nước với bầu không khí bình yên và giản dị.
Đặc biệt, nơi đây là một trong những khu phố cổ, vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp cổ kính và cũng là một hình ảnh thu nhỏ của những khu phố từ thời nhà Đường, nhà Tống.
Con phố này còn được ví von như là “một nửa trái tim của thành Tô Châu”, nơi ẩn chứa trọn vẹn vẻ đẹp về lịch sử, nghệ thuật và cuộc sống bình yên thanh nhã của người Giang Nam xưa và nay.
Khu phố cổ Bình Giang thực hiện nguyên tắc “trùng tu như cũ, giữ nét chân thực”, vừa gìn giữ nếp sống truyền thống của cư dân, vừa nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện điều kiện sinh hoạt.
Chương trình “Đối tác bảo tồn và đổi mới thành cổ” đã được triển khai nhằm đẩy nhanh việc phục hồi và tái sử dụng các công trình cổ, kết hợp với phát triển các ngành kinh tế mới, phục hồi không gian cũ.
Chín con phố chạy theo hướng Đông - Tây được quy hoạch thành các tuyến theo từng chủ đề như phố sách, phố tranh, phố Nho giáo, tạo nên sự giao thoa hài hòa giữa đời sống, văn hóa, thương mại, du lịch và cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết xã hội.
Vĩnh Khánh phường

Vầng trăng khuyết tuyệt đẹp ở Vĩnh Khánh phường. (Nguồn: Sina/Lost Bird)
Quảng Châu - thành phố có hơn 2.200 năm văn hiến, là một trong những danh thắng lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của Trung Quốc.
Khu phố Vĩnh Khánh Phường nằm trên đường Ân Ninh, đây là một phần quan trọng của khu phố cổ Quảng Châu. Mỗi con hẻm nhỏ nơi đây đều mang trong mình ký ức lịch sử của văn hóa Lĩnh Nam.
Từ Lệ Chi Loan với nhiều công trình kiến trúc cổ, những con đường lát đá và hệ thống kênh rạch truyền thống. Đường Enning, được mệnh danh là con phố cổ đẹp nhất Quảng Châu, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân gian, kinh kịch Quảng Đông. Đến nhà tổ của Lý Tiểu Long, nơi cha ông, Lý Hải Quyền, từng sinh sống, mang đậm phong cách kiến trúc Tây Quan cổ điển…
Trước đây, khu phố này từng rơi vào tình trạng xuống cấp do thời gian, nhưng trong những năm gần đây, nó đã được trùng tu lại theo hướng bảo tồn và phục hồi, thay vì phá dỡ xây mới để vừa giữ nét cổ kính vừa mang lại diện mạo mới.
Năm 2020, phố di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Quảng Châu cũng được mở tại đây, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Không dừng lại đó, những năm gần đây, Vĩnh Khánh Phường tiếp tục triển khai các dự án cải tạo nhỏ, bảo tồn kỹ lưỡng các tòa nhà kiến trúc “kỵ lâu” đặc trưng của Lĩnh Nam. Toàn bộ 79 công trình di sản kiến trúc (bao gồm công trình lịch sử, kiến trúc có giá trị văn hóa) cùng với 6 loại di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn nguyên vẹn.
Thành cổ Bình Dao

Hơn 4.000 ngôi nhà ở thành cổ Bình Dao còn tồn tại đều được xây dưới thời Minh - Thanh. (Nguồn: WIkipedia)
Thành cổ Bình Dao nằm ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, nơi có lịch sử hơn 2.800 năm và là một trong những thành cổ được bảo tồn nguyên vẹn nhất tại Trung Quốc.
Thành cổ Bình Dao có chiều dài hơn 6.000m và cao 12m. Tường thành vây quanh được xây theo hình vuông. Trên thành, bạn sẽ thấy cứ khoảng 50m thì sẽ có một tháp canh. Bốn góc thành được dựng một gác lầu. Phía trên tường thành xẻ thành 300 cửa và có 72 tháp nhỏ. Điều này tượng trưng cho 72 hiền nhân của Khổng Tử.
Thành gồm 6 cổng, ở mỗi phía Đông,Tây, Nam, Bắc đều có cửa. Trong đó, cửa thành phía Tây được ví như đuôi rùa. Đây cũng là điểm thấp nhất của thành. Phần lớn nước đọng lại phía trong đều chảy ra từ đây.
Kiến trúc trong thành được xây theo hướng khép kín, lấy hướng Bắc Nam làm trục. Các phố to và những con ngõ nhỏ đan vào nhau, tạo thành bố cục rõ ràng, ngay ngắn.
Mọi ngôi nhà trong thành đều được xây theo lối tứ hợp viện với gạch màu tro. Có sự đối xứng trái phải, chính phụ, đường trục rõ ràng. Mỗi khuôn viên được bao bọc bởi thành tường cao 7-8m. Kiến trúc của mỗi ngôi nhà vẫn giữ được kiểu nhà hang động của vùng Tây Bắc, Trung Quốc. Nổi bật với lối kiến trúc khắc gạch, khắc gỗ trên cửa ra vào, cửa sổ.
Hơn 4.000 ngôi nhà ở thành cổ Bình Dao còn tồn tại đều được xây dưới thời Minh - Thanh. Trong đó có 400 ngôi nhà được bảo tồn khá kỹ. Đây là một trong những cụm nhà cổ đại được xem là nguyên vẹn nhất ngày nay.
Ngoài ra, trong thành còn có 6 ngôi chùa cổ lâu đời. Xung quanh chùa là các dãy cửa hàng với mái ngói lưu ly màu vàng và xanh lá rất đẹp. Những đường nét này phần nào đã nói lên được sự sầm uất vào thời nhà Minh - Thanh. Du khách cũng sẽ nhìn thấy hơn 1.000 tấm bia khắc từ thời cổ dựng rải rác trong và ngoài thành.
Tuân thủ nguyên tắc “can thiệp tối thiểu”, thành cổ Bình Dao đã được tiến hành nâng cấp toàn diện nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống. Công nghệ hiện đại được áp dụng, với hệ thống điện toán đám mây giám sát di sản bằng thiết bị di động, giúp thu thập dữ liệu, ghi nhận thông tin, phân tích và truyền tải dữ liệu, tạo nên một nền tảng thông tin chung.
Ngày nay, khi dạo bước trong cổ thành, ta cảm nhận được con người hòa mình vào thành phố, còn thành phố hòa vào cảnh quan, tạo nên một không gian lịch sử sống động.