Khám sức khỏe tiền hôn nhân, tiền đề nâng cao chất lượng dân số Thủ đô
Năm 2023, tại Hà Nội tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,7%; 9 tháng năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 68,43% (tăng 23,43% so với cùng kỳ).
Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Các bệnh thường gặp là hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh nặng…
Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương ghi nhận có trên 20.000 người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) mức độ nặng, cần phải điều trị cả đời. Ngoài ra, mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân thể nặng khi sinh đến 30 tuổi khoảng 3 tỷ đồng.
Trong khi nếu các cặp vợ chồng được khám sàng lọc trước hôn nhân sẽ giúp phát hiện các rối loạn di truyền như: Bệnh máu khó đông, Thalassemia, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ…
Theo thống kê của Chi cục Dân số Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn là 31,9%; năm 2023, tỷ lệ này là 53,7%; 9 tháng năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 68,43% (tăng 23,43% so với cùng kỳ).
Mặc dù con số này đã tăng lên theo từng năm nhưng vẫn còn ở mức “khiêm tốn” so với mục tiêu mà Thành phố đề ra là tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến năm 2025 đạt ít nhất 85% và năm 2030 đạt ít nhất 95%. Do đó, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với quận Bắc Từ Liêm triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội Vũ Duy Hưng, từ lâu, Thành phố đã triển khai công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến 30 quận, huyện, thị xã. Việc triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm là mong muốn xây dựng một mô hình chuẩn về vấn đề này. Từ mô hình thí điểm sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn Thành phố để góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số của Thủ đô. Người dân sau khi được tư vấn sẽ biết cần phải khám những gì, khám ở đâu để mang lại hiệu quả.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, tuổi kết hôn của nam là 20, nữ 18 và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Nam, nữ kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, tuy nhiên, các văn bản pháp lý hiện nay đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Dù vậy, từ nhiều năm qua, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.
Theo đó, cả nam, nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn. Khám sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm khám lâm sàng tổng quát; xét nghiệm nhóm máu, bệnh lý về máu... Các chuyên gia cho rằng, khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số.