Khâm Tấn Tường là ai ? (tiếp theo)

Thủy hay bộ những năm ấy chỉ có thể là quân của Lãnh binh Tương (tức là Khâm Tấn Tường) mà thôi! Đặc biệt, cụ Phan không hề nhắc đến một 'Phủ An Cơ' nào cả! Mà nghĩa quân chỉ đóng các đồn binh ở dọc theo sông.

Cụm miếu thờ và mộ Lê Ngọc Dương tại xã Hòa Hội.

Cụm miếu thờ và mộ Lê Ngọc Dương tại xã Hòa Hội.

Chúng tôi tìm về, nghiên cứu những trang lưu bút của ông Nguyễn Hồng Phan (1913-1994), người có quê gốc ở vùng sông Vịnh (Hảo Đước) và Tầm Long, nay là xã Trí Bình, huyện Châu Thành.

Ở cuối bài 1, chúng tôi đã kể đến việc cụ Phan ghi chép về nghĩa quân chống Pháp trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất tại Tây Ninh (1861-1867). Năm 1861, ngày 24.2 có sự kiện Pháp đánh chiếm được thành Gia Định.

Còn năm 1867 là sự kiện căn cứ Suối Giây của nghĩa quân Trương Quyền bị đánh phá vào ngày 28.7. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi Tây Ninh và phải “rút lui từng toán nhỏ về sâu dưới vùng Hậu Giang” (theo "Chống xâm lăng" của GS Trần Văn Giàu, Nxb TP. Hồ Chí Minh năm 2001).

Cụ Phan viết: “Quân Pháp bình định Gia Định thì kéo quân lên Tây Ninh. Quân mình cự không lại phải bỏ thành chạy lên rừng. Bà con mình chạy theo ông Phó lãnh binh tên Tương. Nghe nói ông này trước là vệ úy hay quản cơ của ông Phó lãnh binh nào đó. Khi Phó lãnh binh chết, ông này không chịu đầu hàng. Quân lính tôn ông này lên" (làm Phó lãnh binh- TV).

Sự thật có khi chỉ giản dị như thế! Khi chưa có tư liệu lịch sử nào để chứng minh ông là một vị Đại thần, quan Khâm Tấn Tường, hay Tán Tương quân vụ. Rất có thể ông chỉ là một vị Quản cơ. Và thời Nguyễn, chức này có lẽ tương đương với sĩ quan cấp Tiểu đoàn trưởng ngày nay, nếu tính theo số quân lính dưới quyền. Vì mỗi cơ gồm 500 lính.

Tình hình Tây Ninh sau khi Gia Định thành thất thủ cũng đã được Dương Công Đức ghi nhận trong sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam”. Trang 345 có đoạn: “Tây Ninh là thành phủ của tỉnh Gia Định, giáp giới Cao Miên, nơi có nhiều nghĩa dõng tham gia chống Pháp ở đại đồn Chí Hòa.

Vì vậy khi bị đại bại ở đại đồn Chí Hòa và đồn Thuận Kiều, quan quân Gia Định rút về cố thủ tại Tây Ninh, tuy nhiên nhận thấy vị trí nơi đây bất lợi do cách xa hậu phương nên lại rút về Biên Hòa…”.

Tác giả cũng trích sách “Đại Nam thực lục chính biên”, kể tên vài vị quan đầu tỉnh chạy từ Gia Định lên Tây Ninh vào ngày 25.2.1861 (16 tháng Giêng năm Tân Dậu) là Thự Tuần phủ Đỗ Quang Thận, Bố chánh Đặng Công Nhượng và quan Án sát Phạm Ý.

Đến ngày 27 tháng Giêng, các vị quan kể trên chạy về đến Biên Hòa. Các phủ thành, đồn binh của triều đình còn lại ở Gia Định đều như rắn mất đầu. Trong hoàn cảnh ấy thì phó lãnh binh Tương dẫn quân mình chạy lên rừng Hảo Đước là hợp lý.

Những dòng lưu bút tiếp theo là: “Ông này (Phó lãnh binh Tương) cầm hai đạo quân, một đạo binh thủy và một đạo bộ binh. Binh thủy thì đi bằng thuyền lớn (tục kêu là ghe ô, ghe lê gì đó). Thuyền này hồi thất thủ Gia Định thành, những ông không chịu đầu Tây lén ngược dòng chở lương thực và súng đại bác thần công đốt ngòi lên theo sông Vàm Cỏ đậu ở Trảng Bàng.

Ông này mộ thêm lính ở Gò Vấp, Hóc Môn, Lái Thiêu, Trảng Bàng đi theo ông. Lúc Tây lên Tây Ninh ông và cậu Hai con trai của ông chỉ huy đoàn thuyền chạy lên đậu ở Vàm Cây Kiểu mé xóm Suối dưới Tầm Long, mé trên xóm Ruộng bây giờ.

Chừng Tây Ninh bị Tây chiếm đóng thì đoàn thuyền này chạy lên đậu ở Vịnh Cù, Xóm Trường, vàm Nàng Dình và vàm Trảng Trâu bây giờ. Thuyền này sau bị hư bỏ lần lần mỗi nơi một chiếc. Có chỗ còn dấu tích cũ. Như ở Vàm Trảng chỗ nước xoáy có một chiếc chìm ở đó. Ở Vịnh Cù xã Hòa Hội, tới bây giờ vẫn còn xác một chiếc ở đó…”.

Chuyện cụ Phan kể trên đây, đến nay đã có nhiều di vật lịch sử có thể minh chứng. Như Bảo tàng tỉnh từ hơn 10 năm trước đây đã từng vớt lên ở Vàm Trảng (Trảng Bàng) trên sông Vàm Cỏ Đông một khẩu súng thần công. Súng không lớn lắm, chỉ dài khoảng 1,5m, có lẽ là súng trang bị cho chiến thuyền kiểu “ghe ô, ghe lê” thời trước.

Còn ở Vịnh Cù, cũng trên sông này ở gần bờ phía Hòa Hội vẫn còn một nơi tương truyền có chiếc tàu bị đắm, mà tới nay cây gừa đã mọc trùm lên. Từ đây ngược lên phía thượng nguồn hơn một cây số có mộ ông Lê Ngọc Dương, tương truyền là quan chỉ huy con thuyền ấy, hy sinh khi chiến đấu với giặc cướp đến từ bên kia biên giới.

Đối chiếu với bối cảnh lịch sử Tây Ninh năm ấy, theo Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam thì: “Khi đã đủ lực và đánh chiếm được Đại Đồn…, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đưa quân theo đường sông Vàm Cỏ Đông tiến chiếm thành phủ Tây Ninh và giao cho Đại úy Guys giữ… Quân Pháp cho tu sửa lại thành phủ Tây Ninh.

Bấy giờ Cao Miên lợi dụng sự rối ren, thất thế của Đại Nam trước Pháp bèn nổi dậy giành lấy các phần đất đã bị triều đình Huế sát nhập vào lãnh thổ Đại Nam trước đó. Để thực hiện mục tiêu này, vua Cao Miên quyết định hợp tác với Pháp và xách động các cuộc quấy rối ở Nam kỳ…” (trang 345- 346).

Cụ Phan cũng có ghi lại về những năm này. Đó là: “lúc này giặc Pháp đã bình định xong miền Nam chúng đóng đồn thiệt thọ ở Tây Ninh… Nhưng có 1 năm, một số trong nhân dân Cao Miên kéo sang cướp phá chém giết đồng bào ta, đồng bào ta phải tự vệ chống lại. Thế là xảy ra một cuộc xô xát chém giết lẫn nhau giữa ta và người Cao Miên rất ác liệt…”. Rất có thể là Lê Ngọc Dương đã hy sinh trong một trận chiến ở giai đoạn này, nhằm bảo vệ cho bà con đang sống yên ổn tại các làng Hảo Đước và Hòa Hội.

Nếu ở đoạn trích trên đã có các di vật hoặc sự kiện lịch sử để củng cố thêm độ tin cậy, thì ở đoạn trích sau đây sẽ rất khó phân định. Đấy là: “Đạo binh bộ thì do Trương Quyền chỉ huy, nghe nói ông này là tướng của ông Trương Công Định.

Lúc ông Định hy sinh, ông Quyền chạy lên đây, phụ với ông Táng Văn Tương/ Ông Quyền mộ binh đóng đồn dọc theo sông Vàm Cỏ, như ở Tầm Long có đồn Bàu Thành, kế đó đồn Xóm Trường, đồn Đá Hàng, đồn Trảng Trâu v.v…

Còn đồn chánh thì đóng ở Bến Thứ (Trảng Dòng)/ Nghĩa quân (tức binh lính đàng Cựu mình) chạy đến đâu là quy dân lập ấp đến đó, dùng vợ con, gia đình của nghĩa quân làm liên lạc với đồng bào trong vùng Tây chiếm đóng để mua lương thực tiếp tế và lấy tin tức v.v…

Ít lâu sau, quân Pháp nhờ có người theo chúng dẫn đường đến bất thình lình đánh úp các đồn trại của quân ta. Hai cha con ông Lãnh binh và ông Quyền đều tử trận. Đám nghĩa quân bị tan rã, kẻ chết, người còn sống trốn thoát được…”.

Chính là ở đoạn này, đã có sự nhầm lẫn. Đúng như cụ Phan đã viết là: “Ba viết lại tỉ mỉ những gì mà ông nội các con kể lại với ba… (có những chuyện) lúc ông nội còn nhỏ, lớn lên được nghe bà cố nói lại mà thôi. Mà cái nói lại thường khi không đúng lắm, vì nhớ lúc nào nói lúc đó, truyền miệng với nhau mà thôi…”.

Nhầm ở chỗ: từ 1861-1864 thì Trương Quyền còn đang sát cánh cùng cha đánh Pháp ở miền Tây Nam bộ. Do vậy khó có thể là Lãnh binh Tương chỉ huy cả 2 cánh quân thủy, bộ, trong đó quân bộ do Trương Quyền chỉ huy.

Do vậy, thủy hay bộ những năm ấy chỉ có thể là quân của Lãnh binh Tương (tức là Khâm Tấn Tường) mà thôi! Đặc biệt, cụ Phan không hề nhắc đến một “Phủ An Cơ” nào cả! Mà nghĩa quân chỉ đóng các đồn binh ở dọc theo sông.

Đây là một chiến thuật vô cùng hợp lý với chiến tranh du kích, bởi bài học thành Gia Định to lớn, quy mô là thế cũng bị súng thần công của Pháp đánh đổ chỉ sau hơn một ngày. Sẽ không ai dại gì co cụm lại một ngôi thành để cho địch dễ dàng tấn công tấn công tiêu diệt. Tên gọi Phủ An Cơ chắc chỉ là danh nghĩa, để đối chọi lại với phủ Tây Ninh đã nằm trong tay giặc, nhằm phất lên ngọn cờ chống Pháp trên đất Tây Ninh.

Rất có thể là sau năm 1864, khi Trương Định đã mất, Trương Quyền lên Tây Ninh, thì mới có sự tham gia của những nghĩa sĩ còn lại của lãnh binh Tương vào đội quân của Trương Quyền và Pô Kum pô để làm nên những chiến công bất hủ vào năm 1866.

Tới đây, đạo quân của Khâm Tấn Tường đã hòa chung vào cuộc chiến đấu của Trương Quyền. Do vậy mà lịch sử không còn gọi tên các ông. Nhưng sự kiện vào năm 1861, những biền binh của Lãnh binh Tương đã đem theo ghe thuyền lên rừng Tây Ninh chiến đấu chống Tây Dương, sẽ còn ở trong lòng người Tây Ninh mãi mãi.

160 năm đã trôi qua, kể từ năm ấy.

Trần Vũ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/kham-tan-tuong-la-ai-tiep-theo--a139028.html