Khám 'thể trạng' tài chính các cổ phiếu tăng giá

Một số cổ phiếu trên sàn chứng khoán đang gây chú ý nhà đầu tư bởi sự chuyển động đi lên ấn tượng thời gian gần đây. Cùng trong bối cảnh tăng giá, nhưng mỗi doanh nghiệp lại có một 'thể trạng' tài chính khác nhau.

Những nhà đầu tư có thể nếm trái ngọt bởi thị giá của cổ phiếu liên tục tăng.

Những nhà đầu tư có thể nếm trái ngọt bởi thị giá của cổ phiếu liên tục tăng.

Những điểm sáng trên sàn

Một trong những cổ phiếu tăng giá đều và bền trong khoảng nửa năm trở lại đây có thể kể đến cái tên VNR của Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Vinảuco) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tại thời điểm giữa tháng 4/2020, cổ phiếu VNR chỉ ở mặt bằng dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư mua được cổ phiếu tại thời điểm đó nếu nắm giữ đến nay có thể hoàn toàn nếm trái ngọt bởi thị giá của cổ phiếu VNR đã vượt lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu.

Một cổ phiếu đang có xu hướng tăng giá gần đây là cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PV Drilling). PVS sau khi rớt xuống điểm đáy quanh 9.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 8/2020 đã bước vào một giai đoạn phục hồi khá tốt. Thị giá cổ phiếu PVS đã tăng được khoảng 30% trong vòng hơn 2 tháng qua và hiện đang ở mặt bằng khoảng gần 12.000 đồng/cổ phiếu.

Nhịp tăng giá của cổ phiếu VCS của Công ty cổ phần Vicostone cũng có phần giống với PVS khi bắt đầu bước vào thời kỳ sáng sủa từ tháng 8/2020. Sau khi chạm đáy dưới 55.000 đồng/cổ phiếu cách đây 2 tháng, cổ phiếu VCS tăng giá khá để lên mặt bằng khoảng 75.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kết quả kinh doanh quý III/2020, Vicốtne đạt doanh thu thuần 1.499 tỷ đồng, tăng 1,7% và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cổ phiếu một thời mang nhiều tai tiếng là OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cũng đã gây ngỡ ngàng nhà đầu tư khi bất ngờ bước vào chuỗi tăng giá thần kỳ. Trong khoảng 2 tháng gần đây, OGC đã tăng giá hơn gấp 2 lần từ mặt bằng dưới 4.000 đồng/cổ phiếu lên mức trên 8.000 đồng/cổ phiếu.

“Thể trạng” mỗi người mỗi vẻ

Cùng có một diễn biến chung về sự tăng giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng “thể trạng” tài chính và bối cảnh kinh doanh mỗi doanh nghiệp lại có những đặc thù riêng. Có công ty chứng tỏ được với nhà đầu tư về kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, có doanh nghiệp đang hứa hẹn với những hợp đồng lớn trong thời gian tới, trong khi cũng có doanh nghiệp có vẻ đang được nhà đầu tư hi vọng sẽ chấm dứt chuỗi ngày… bê bết.

Cổ phiếu VNR của Vicostone đi lên thời gian qua cũng không quá khó hiểu bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su này khá thuận buồm xuôi gió. 9 tháng năm 2020 doanh thu Vicostone đạt 17,3 tỷ đồng, tăng trên 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 28,3% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2019.

Hơn nửa năm, OGC tăng giá 4 lần

Nếu nhìn ngược lại quãng thời gian dài hạn, thị giá của OGC thậm chí có lúc chỉ còn ở mức trên 2.000 đồng cổ phiếu (cuối tháng 3/2020). Theo đó trong quãng thời gian hơn nửa năm, cổ phiếu này đã lập kỳ tích tăng giá gấp gần 4 lần.

Đối với PV Drilling, thông tin tích cực phải kể đến là việc giàn khoan PV Drilling V sẽ vận hành trở lại tại một dự án mới ở Brunei, sau khi bị “đắp chiếu” không hoạt động suốt từ năm 2016.

Việc PV Drilling sẽ có việc làm cho PV Drilling V khiến cho Công ty dễ dàng có lợi nhuận hơn mà không còn cần phải phụ thuộc nhiều vào phương pháp trích khấu hao tài sản cố định để có thể ghi nhận chi phí thấp hơn trên sổ sách kế toán.

Về phía Vicostone, lợi nhuận quý III tăng tuy là một tín hiệu tích cực, nhưng ở một góc độ khác, doanh nghiệp này có khá nhiều giao dịch với các bên liên quan và sự ràng buộc trách nhiệm trong các mối quan hệ nợ nần cũng khá lỏng lẻo.

Trong nội dung thuyết minh tại tại báo cáo tài chính bán niên, số dư các khoản phải thu, phải trả các bên liên quan không có tài sản bảo đảm, không có lãi suất. Công ty và công ty con cũng không trích lập bất cứ một khoản dự phòng phải thu khó đòi nào liên quan đến số tiền các bên còn nợ công ty và công ty con.

Trong khi đó, quy mô phải thu của doanh nghiệp này tại thời điểm giữa năm, giá trị phải thu ngắn hạn là 1.841,9 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.788,9 tỷ đồng. Riêng giá trị phải thu ngắn hạn của khách hàng là bên liên quan cũng lên tới 1.013,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu còn lại – OGC của Ocean Group – đây là cái tên khá quen thuộc do Chủ tịch Hội đồng quản trị cũ của Công ty là ông Hà Văn Thắm, hiện đang bị kết án do liên quan đến vụ án tại Ocean Bank năm 2014. Bản thân cổ phiếu OGC hiện vẫn đang trong diện cổ phiếu bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/06/2020 vẫn đang âm 2.722,01 tỷ đồng, vẫn còn vấn đề ngoại trừ và nhấn mạnh đã tồn tại trước đây do công ty kiểm toán nêu trong báo cáo kiểm toán.

Tuy nhiên trong con mắt của một số nhà đầu tư, các chuyện trên đều là những vấn đề tồn tại từ quá khứ và OGC có thể coi là một khoản đầu tư mạo hiểm. Khả năng thành công hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp công ty vực lại được hoạt động kinh doanh sau giai đoạn khủng hoảng mấy năm qua.

Phúc Thuận

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-10-19/kham-the-trang-tai-chinh-cac-co-phieu-tang-gia-93725.aspx