Khẩn cấp phòng, chống sạt lở ven sông

Theo quy luật của tự nhiên, việc sạt lở bờ sông ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua là chuyện hiển nhiên nhưng vài năm trở lại đây, nó không theo quy luật nào. Hiện tượng sạt lở này đang là nỗi lo thường trực của người dân sinh sống tại khu vực sạt lở, vì hầu hết hộ dân đã gắn bó lâu đời với vùng đất này, họ luôn cảm thấy tính mạng và tài sản bị đe dọa nghiêm trọng...

Những năm gần đây, đã có một số nơi trên địa bàn các huyện: Kế Sách, Long Phú bị sạt lở làm nhiều ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống và làm “mất” nơi ở quen thuộc của hộ dân.

Lo lắng khi khu vực mình sinh sống hơn 30 năm nay hiện có bờ sông sạt lở, “lấy đất” vào bờ ngày càng sâu, bà Dương Thị Hồng Nhung, ở Ấp 9, xã Trinh Phú (Kế Sách) than thở: “Ngày xưa căn nhà của tôi nằm ở tuốt ngoài đất sông trên 10m2, rồi lở đất theo từng năm, nhà phải dời vào trong từ từ và đến hiện tại đã gần như hết phần đất nơi cất ngôi nhà sàn để buôn bán tạp hóa, còn căn nhà trong mặt lộ cũng đã dời thụt sâu vào bởi phía trước là con đường đi công cộng. Phải nói rằng việc sạt lở xảy ra thường xuyên nên tôi lo lắm, không phải lúc nào mình cũng có ở nhà thường xuyên để di dời đồ vật khi thấy hiện tượng sạt lở. Giờ tôi mong muốn Nhà nước làm bờ kè chắc chắn để khu vực hộ dân sống ven sông như tôi được yên tâm trước tình hình sạt lở như hiện nay…”.

Đoạn sạt lở tại chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội (Kế Sách) gây thiệt hại nhiều căn nhà. Ảnh: Thúy Liễu

Đoạn sạt lở tại chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội (Kế Sách) gây thiệt hại nhiều căn nhà. Ảnh: Thúy Liễu

Bị thiệt hại về kinh tế khá lớn vì mấy tháng qua việc sạt lở khu vực bờ sông nơi buôn bán chính của gia đình bị dòng nước cuốn trôi, ông Nguyễn Quang Minh, ở Chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội (Kế Sách) chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó tại khu vực gần bến sông kinh doanh các đồ điện tử phục vụ cho bà con trong và ngoài xã, tại đây đường giao thông thủy thuận tiện. Trước đây đường bộ chưa được bê tông hóa thì người dân đi mua sắm chủ yếu bằng ghe xuồng nên tôi buôn bán gần bờ sông tiện cho người mua, kể cả tôi khi nhận lấy hàng từ các đại lý chuyên chở đến cũng dễ dàng. Việc lở bờ sông có xảy ra hàng năm nhưng thấy đó chỉ là quy luật của tự nhiên, tôi nghĩ vài ba năm dòng nước chảy đất xói mòn lở một ít đất chả là gì nhưng đâu đến mức nghiêm trọng như trong tháng 8 vừa qua, sạt lở cả đoạn sông hơn 200m, một số nhà bị sụp luôn xuống sông. Còn tôi nhà ở phía trên bờ đường bêtông đi ngang qua cũng sạt lở không còn nên không thể tiếp tục buôn bán, phải di dời đến nơi khác, hiện nguồn thu nhập giảm đáng kể…”.

Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Lê Vũ Đức cho biết: “Tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh, đường giao thông, nhà cửa trên địa bàn huyện xảy ra ngày càng nhiều, nhất là khi có tác động mạnh của bão, lũ, triều cường, sạt lở đất gây hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng, các khu vực nhà sàn ở cặp bờ sông, làm mất đất, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tính từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ sông, bờ kênh, đường giao thông với chiều dài hơn 13,2km, gây sụp lún và hư hỏng trên 56 căn nhà. Riêng trong năm 2019, thống kê trên địa bàn huyện sạt lở bờ bao, đường đi ngày một nghiêm trọng hơn, sạt lở sâu vào bờ bao, vườn cây ăn trái từ 3m - 10m, với tổng số đoạn sạt lở là 88 đoạn, chiều dài 2.282m, ước thiệt hại hơn 5 tỉ đồng. Đồng thời, sạt lở đã làm thiệt hại 20 căn nhà, diện tích 2.058m2, ước thiệt hại hơn 2,4 tỉ đồng, không thiệt hại về người. Để xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo đời sống cho người dân, huyện đã triển khai xử lý 40 đoạn sạt lở, chiều dài gần 1.500m nguồn vốn thủy lợi cấp và kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa, tính đến nay đã gia cố xong 13 đoạn, chiều dài 476m và đang gia cố tiếp 27 đoạn, chiều dài 943m. Riêng đối với các khu vực các bờ bao bị tràn, huyện, tỉnh cũng đã tiến hành xử lý ngay các đoạn trên. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thi công các điểm sạt lở và các đập ngăn nước là 61 đoạn, chiều dài 1.314m cũng như tiến hành khảo sát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, các điểm có nguy cơ tràn để tiến hành xử lý, khắc phục…”.

Ông Phan Tiến Phong, ở ấp Phụng An, xã Song Phụng (Long Phú) tâm tình: “Tôi sống ở khu vực đoạn sông tại đây hơn 40 năm qua, cứ vài ba năm đất mất đi một ít bởi dòng sông bào mòn, nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, tốc độ nhanh, rồi nước sông tràn bờ gây ngập vườn cây ăn trái của gia đình, một số cây không chịu nước ngập lâu ngày bị chết, làm mất nguồn thu. Hiện tại thì chính quyền đã làm rọ bảo vệ đoạn sông và đắp đập cao hơn mực nước sông nên giờ tôi không còn lo lắng khi đến con nước lớn”.

Đồng chí Kim Hen - Chủ tịch UBND huyện Long Phú thông tin: “Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Toàn huyện có 16 điểm sạt lở với tổng chiều dài 628m và huyện đã triển khai khắc phục 4 điểm; các điểm còn lại sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, huyện đã tiến hành hoàn thiện thủ tục để khắc phục sớm nhất các điểm sạt lở nhằm tránh trình trạng sạt lở tiếp tục, đặc biệt là không cho nước tràn vào đê khi thủy triều dâng cao. Các điểm sạt lở khi gia cố xong đều mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại và khi triều cường dâng cao không còn tình trạng nước tràn bờ vào vườn cây ăn trái hay các tuyến đường giao thông…”.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/khan-cap-phong-chong-sat-lo-ven-song-33372.html