Khẩn cấp ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông

Hà Nội ban hành Lệnh báo động 1 trên sông Hồng vào hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9/2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Hà Nội ban hành Lệnh báo động 1 trên sông Hồng. Ảnh: TTXVN

Hà Nội ban hành Lệnh báo động 1 trên sông Hồng. Ảnh: TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, mực nước trên các tuyến sông đều đang ở mức báo động. Mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Đáy đã vượt báo động III; mực nước các sông Nhuệ, sông Cà Lồ đang ở mức báo động II.

Về mực nước sông Hồng, thời điểm 9 giờ sáng ngày 10/9, tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) đang ở 9,2m; đến 11 giờ 10 phút đạt mức 9,50m, ở mức báo động 1.

Hiện nay, thủy điện Tuyên Quang đang mở 7 cửa xả, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả, hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả. Đêm qua, có quận Ba Đình đã sơ tán 35 hộ với 55 nhân khẩu ở khu vực chợ Long Biên đến nơi an toàn. Các địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước sông để sẵn sàng sơ tán người dân.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, trong 24 giờ tới, Thành phố Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 50 - 80mm, có nơi trên 100mm.

Mưa lớn kết hợp mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, bãi nổi ngoài đê với thời gian kéo dài, độ sâu ngập từ 0,5 - 1,0m, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Đáy, sông Cà Lồ.

Khu vực sông Hồng, sông Đuống nguy cơ cao ngập ven bờ bãi Phúc Xá (Ba Đình), bến đò Ngọc Lâm, 2 bên bờ cầu Long Biên, chân cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long, phía sau chợ Long Biên, khu vực Đình Chèm (Bắc Từ Liêm)…

Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương. Cụ thể, hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên, cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động. Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 8 giờ 30 ngày 10/9 đến khi có thông báo thay thế.

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Theo đó, giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông..; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân tại các khu vực nguy hiểm; Tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản, hướng dẫn, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng tổ chức giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cầu qua sông; kịp thời xử lý sự cố, kiên quyết ngăn chặn hoạt động của những phương tiện giao thông thủy không đảm bảo an toàn. Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền và hoạt động tại các bến cảng, khu neo đậu để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; kiểm tra kỹ thuật, đánh giá hiện trạng, khả năng chịu lực của hệ thống đê điều, kè; sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng; kiểm tra, bảo dưỡng các trạm bơm, cống, đảm bảo vận hành tốt khi cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố đê điều, kè; kiện toàn các đội xung kích kiểm tra đê điều, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi.

Giám đốc Sở Công Thương rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng/chia cắt bởi mưa lũ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; Sẵn sàng phương án hỗ trợ các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do mưa lũ; Phối hợp với các đơn vị liên quan để vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến các vùng bị cô lập, khó khẳn...

Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất xử lý môi trường để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời tổ chức các đội y tế lưu động, sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng; phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong và sau mưa lũ.

Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị khẩn trương triển khai ngay giải tỏa cây đổ, cành gãy, xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh. Kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt tại các khu nhà tập thể cũ ở khu vực có nguy cơ cao. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người dân, tài sản tại các khu vực nguy hiểm. Bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Sẵn sàng phương án cắt điện khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, sau đó khôi phục trong thời gian nhanh nhất. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực để khắc phục sự cố điện do mưa lũ gây ra, trong đó ưu tiên không để ảnh hưởng đến các trạm bơm tiêu thoát.

Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 9 tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng do bão số 3, mỗi tỉnh, thành phố 5 tỷ đồng, gồm: thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; hỗ trợ các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh 3 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ là 51 tỷ đồng.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố ra lời kêu gọi quyên góp và tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển hỗ trợ kịp thời để các tỉnh, thành phố sử dụng hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn.

Thành phố Hà Nội thống nhất quan điểm không nhận hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác để ưu tiên cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn. Thành phố sẽ tập trung bằng các nguồn nội lực để hỗ trợ người dân trên địa bàn, trong đó, sẽ hỗ trợ an sinh và một chương trình riêng để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khan-cap-ung-pho-lu-lon-tren-cac-tuyen-song-34463.html