Khăn đóng áo dài, hồn muôn năm cũ
Ở quê, thỉnh thoảng trong những dịp lễ làng mạc, họ tộc hay hiếu hỉ, thường thấy các cụ mặc trang phục truyền thống tham dự. Nhưng hình ảnh đẹp nhất là mỗi khi Tết đến, cứ sáng sớm Nguyên đán, các cụ vận khăn đóng áo dài đi cúng. Rồi từ đình làng, các cụ mặc luôn bộ y phục đó đi chúc tết các nhà trong làng. Trên đường quê, hình ảnh khăn đóng áo dài như hồn muôn năm cũ còn lưu lại, mỗi độ xuân đến, xuân đi không hề phai nhạt giữa lối sống hiện đại.
Y phục xứng kỳ đức
Đi qua ba thế kỷ, áo dài khăn đóng đã trở thành trang phục truyền thống của người Việt. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, áo dài ngũ thân ra đời năm 1744 từ công cuộc cải cách trang phục xứ Đàng Trong của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Bấy giờ, chúa buộc các quan viên phải mặc áo dài, rồi ban lệnh khuyến toàn dân mặc theo. Học trò đi học, vào trường thi đều buộc phải mặc áo dài. Các sĩ tử ấy nếu không đỗ đạt được bổ làm quan thì về nhà làm thầy đồ, thầy khóa (khóa tức là khoa thi). Thế nên có thành ngữ châm biếm “học trò dài lưng tốn vải”.
Gọi là áo ngũ thân vì được may từ năm thân (vạt) áo: hai vạt trước, hai vạt sau bằng nhau; một vạt nhỏ hơn ở phía trong, bên ngực phải. Bốn vạt áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, vạt con phía trong biểu tượng phận làm con. Vạt áo trước được cài đính bằng năm chiếc cúc, tượng trưng ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đôi vạt trước, đôi vạt sau được may khít với nhau tạo thành hai đường chỉ thẳng dọc chính giữa gọi là trung phùng đạo. Áo dài nam có cổ cao, đứng, tượng trưng cho sự chính trực nên còn gọi là áo ngũ thân lập lĩnh.
Tay áo lại chia làm hai loại. Loại áo tấc có tay thụng, vạt áo dài quá đầu gối dùng cho các cụ khi thực hành các nghi lễ nên gọi là lễ phục. Loại áo chẽn có tay hẹp hơn, vạt áo chỉ vừa qua khỏi đầu gối, để tiện mặc cho các hoạt động khác ngoài nghi lễ.
Áo dài là nét văn hóa làng quê, đồng thời bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn, lễ giáo. Chiếc áo dài khi mặc vào phải vừa vặn, tạo sự khiêm nhường kín đáo, phong thái nghiêm cẩn đĩnh đạc. Đó cũng chính là những yêu cầu khắt khe đối với người may áo. Và không phải thợ may nào cũng biết may đúng, may đẹp. Phần lớn các công đoạn đều phải khâu bằng tay, nên ngày trước được gọi là “ông may bộ” (tức là ông thợ chỉ cần cây kim, cuộn chỉ, thước sừng bò, đi bộ đến từng nhà để may).
“Ông may bộ” năm cũ
Ông Lê Văn Chung ở làng Dương Lệ Văn, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, năm nay đã 70 tuổi và gần như cả cuộc đời gắn bó với nghề may áo quần. Tiệm may cũ kỹ biển hiệu Văn Chung được viết tay theo lối vintage (cổ điển) nay vẫn được treo phía trước. Khi chúng tôi tới, ông Chung đang ngồi may những bộ lễ phục của khách trong vùng cho kịp tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Năm 17 tuổi ông theo học may áo quần với thầy Viêm ở Đông Hà. Sau đó lại học thêm nghề may áo dài từ thầy Sừ, thầy Cẩm trong làng. Hai “thầy may bộ” này người dạy về kiến thức áo, người dạy thực hành cho ông. Riêng việc may khăn đóng thì ông được học từ một người bạn nghề, là ông Thọ (cũng là thợ may áo dài nổi tiếng ở chợ Thuận, nay đã mất). Từ đó, ông Chung chuyên nghề may áo dài khăn đóng, đồ may của ông vào tận miền Nam, Tây Nguyên và sang cả Mỹ.
Giữa thời buổi hàng may mặc sản xuất hàng loạt, áo quần hầu hết mua sắm trực tuyến thì vẫn còn đây những người thợ cũ như ông Chung. Đơn giản bởi thứ lễ phục này không thể sản xuất ồ ạt, càng không thể mua sắm từ xa bởi mỗi người có một số đo riêng. Mặc một cái áo dài, đội một chiếc khăn đóng không đúng kích thước sẽ rất khó chịu.
Ông Chung cho biết người đặt may áo dài thường được ông tặng kèm một cái khăn đóng. Cái khăn đóng may mất một ngày công, nhưng biếu tặng là chuyện lễ nghĩa danh dự, vì cái đó người ta đội trên đầu.
Lại nói về khăn đóng, từ thời cải cách trang phục của chúa Nguyễn thì nó chỉ mới là dải khăn vấn, quấn quanh đầu để buộc mái tóc dài, đồng thời che chắn nắng gắt của xứ Đàng Trong. Phải qua đến đầu thế kỷ XX, khi đàn ông Việt không còn búi tóc dài mà hớt ngắn, thì cái khăn vấn được cải biến thành chiếc khăn đóng.
Khăn đóng được quấn theo chiều kim đồng hồ, kết thúc vòng quấn đầu tiên thì nếp trái đè lên nếp phải chéo nhau, tạo thành hình chữ Nhân. Khi đội khăn đóng lên đầu, nếp chéo này phải chính giữa đỉnh trán. Chữ Nhân ấy tượng trưng cho chính nhân quân tử, là đạo làm người. Các vòng còn lại được quấn đều đặn kiểu bậc thang, phía trước cao dần lên, phía sau thấp dần xuống. Khăn đóng tùy vùng sẽ có số vòng quấn khác nhau. Ở tiệm ông Chung thì quấn 9 vòng. Ông nghe kể lại rằng số 9 tượng trưng cho chín chữ cù lao. Đội chiếc khăn đóng là hàm ý phải đội ơn sinh thành, giữ đạo làm người.
Trong các lễ cúng, chiếc khăn đóng làm cho người đội có phong thái đĩnh đạc, đồng thời giữ mái tóc không bị lòa xòa, đặc biệt khi cúi lạy. Cũng chính vì điều này nên người may khăn đóng phải tính sao cho khăn vừa khít đầu, quá lỏng hoặc quá chật khi lạy sẽ bị tuột ra khỏi đầu, mất nghiêm trang.
Những yêu cầu khắt khe trong việc may áo dài khăn đóng ngoài chuyện số đo chuẩn, khi lên vải cũng khác may áo sơ mi. Vải may áo dài thường có những họa tiết, hoa văn chữ Thọ tròn hình bông hoa. Người thợ phải xếp các vạt vải sao cho các bông không bị cắt, bông lại phải đối xứng ở hai bên đường chỉ khâu, gọi là sập bông. Vậy nên, trước khi cắt vải phải dùng kim chỉ cố định các tà để chuẩn bông.
Tới đây thì may tấm áo không còn đơn thuần là chuyện kim chỉ nữa, mà người thợ phải cẩn trọng, dành hết tâm huyết, chẳng khác nào đang thực hành một phép tắc nghi lễ.
Mỗi cái áo dài phải may ba ngày mới xong, tiền công ông nhận ba trăm rưỡi ngàn đồng, trong đó ông phải chịu cả vải côn, cả cúc áo. “Tính ra thu nhập rất thấp nhưng không thể tăng giá vì hàng này của các cụ già cả, có tiền đâu mà lấy cho cao. Thôi thì cũng là làm giữ nghề và còn có thêm chút tiền để đi lo việc chùa chiền, làng mạc” (ông Chung hiện là Hội chủ làng Dương Lệ Văn).
Hồn cũ trong nếp sống mới
Không trang phục nào thích hợp hơn chiếc áo dài khăn đóng trong các nghi lễ người Việt. Xưa đã thế, nay vẫn thế. Người già vận khăn áo đi lễ, người trẻ mặc áo dài trong các lễ cưới, cán bộ công chức cũng mặc lễ phục khi tham dự các buổi lễ thiêng liêng. Năm 2000, nhà văn Xuân Đức khi ấy là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị, trong trang phục áo dài khăn đóng quỳ đọc bài văn tế tại lễ hội Thống nhất non sông tổ chức lần đầu tiên. Giáp tết Tân Sửu - 2021, trong lễ tri ân tưởng niệm - húy nhật vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại đền thờ ở Khu di tích Thành Tân Sở (huyện Cam Lộ), lãnh đạo các cơ quan của tỉnh Quảng Trị mặc khăn đóng áo dài dâng hương, chấp lễ nghiêm cẩn và đầy nhắc nhớ về một vị vua luôn giữ hồn cốt dân tộc.
Ấy là sinh thời vua Hàm Nghi rất hay mặc trang phục truyền thống. Kể cả khi bị lưu đày sang xứ Algérie, dù là ngồi vẽ tranh vua cũng đội khăn vấn và mặc áo ngũ thân. Hay trong lễ cưới của vua Hàm Nghi với nàng quý tộc Pháp Marcelle Laloe được tổ chức trang trọng tại Tòa Tổng giám mục Alger vào ngày 4/11/1904, trong khi cô dâu mặc váy cưới lộng lẫy, vua Hàm Nghi vẫn mặc áo dài đen và đội khăn xếp truyền thống nước Việt. Kết quả cuộc hôn nhân này là ba cô con gái xinh đẹp, trong đó người con đầu là công chúa Như Mai cũng luôn mặc trang phục theo kiểu Việt Nam. Bà là người phụ nữ được dư luận Pháp rất quan tâm, có lần phóng viên hỏi tại sao bà lại phục sức như thế, công chúa Như Mai trả lời rằng ăn mặc như thế này là thể theo ý của vua Hàm Nghi.
Lưu giữ các giá trị truyền thống cũng là một cách xây dựng đời sống mới. Như chuyện mặc áo dài khăn đóng trong các dịp lễ, dịp Tết hôm nay là một nét đẹp. Năm nào ở Chợ Đình làng Bích La cũng có những ông đồ trẻ mặc áo dài chít khăn đóng viết thư pháp. Hình ảnh "một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân" gợi về hồn muôn năm cũ vẫn còn đây.