Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào dịp rằm tháng Giêng, những người yêu thơ trên cả nước lại hướng về Ngày thơ Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi. Năm nay Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 tiếp tục được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, với chủ đề Bản hòa âm đất nước, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/2 (tức 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024).
Trong ngày 24/2, dù thời tiết không thuận lợi, trời rét và có mưa nhưng những người yêu thơ vẫn đến Hoàng thành Thăng Long để cùng nhau chiêm nghiệm những vần thơ hay về thiên nhiên, con người và dân tộc Việt Nam.
Năm nay, Đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay do ban tổ chức tuyển chọn.
Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với 54 dân tộc Việt Nam.
Ngày thơ Việt Nam năm 2024 mang đến cho công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của dân tộc; giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, những tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương; Nguyên Tổng Giám đốc VOV cùng các đại biểu tới tham dự Ngày thơ Việt Nam 2024.
Ngày thơ năm nay, ban tổ chức tiếp tục xây dựng Nhà ký ức. Không gian là nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc thiểu số đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Khán giả chiêm ngưỡng kỷ vật của các nhà thơ.
Mỗi kỷ vật đều mang một ý nghĩa riêng, giúp khán giả có thể hiểu hơn quá trình sáng tác của các nhà thơ.
Nhiều khán giả bày tỏ niềm hứng khởi khi thơ ca của các dân tộc với những vẻ đẹp riêng biệt cùng vang lên tại một không gian văn hóa và lịch sử là Hoàng thành Thăng Long.
Có mặt tại Hoàng thành Thăng Long từ sớm, ông Vũ Cao Hải (Bắc Giang) cho biết, Ngày thơ Việt Nam là một sự kiện hết sức ý nghĩa và chỉ có một lần trong năm. Vì yêu thơ, nên ông không thể bõ lỡ: "Tôi mong sẽ có nhiều người biết đến sự kiện này, để Ngày thơ Việt Nam thực sự trở thành một ngày hội toàn dân. Bởi thơ ca là nguồn di sản tinh thần đã có từ lâu đời và cần được duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ", ông Vũ Cao Hải chia sẻ.
Buổi tối 24/2 sẽ là Đêm thơ mang tên "Bản hòa âm đất nước", bắt đầu với màn biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường do các nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc, tương ứng với con số Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Đêm thơ hứa hẹn sẽ để tạo nên không gian đậm chất thi ca, một "Bản hòa âm đất nước" đa màu, đa sắc...
Ngày thơ Việt Nam 2024 thực sự là một hoạt động đặc biệt để tôn vinh thơ ca và lan tỏa vẻ đẹp và sự cần thiết của thơ ca sâu rộng hơn nữa trong đời sống.
Kim Nhung/VOV.VN