Khan hiếm đơn hàng, doanh nghiệp xoay xở tìm 'thị trường ngách'

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng mới để bù đắp các đơn hàng thiếu hụt, duy trì sản xuất.

Đủ cách tìm kiếm đơn hàng

Chia sẻ với PV Báo CAND ngày 21/2, ông Thang Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hào Hưng (chuyên xuất khẩu dăm gỗ để làm nguyên liệu giấy) cho rằng, tình trạng sụt giảm đơn hàng vẫn đang là nỗi ám ảnh đối với DN. Mặc dù đã có dự báo và sự chuẩn bị trước nhưng diễn biến thị trường ngày càng ảm đạm hơn.

Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường.

Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường.

Trên thực tế trong tháng 2-3/2023, Công ty không nhận được đơn hàng nào. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, thuế VAT chưa được hoàn, đơn hàng sụt giảm mạnh khiến DN vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường mới.

“Trong những ngày cuối tháng 2/2023, chúng tôi sẽ có nhiều đoàn công tác đi chào hàng, tiếp xúc các đối tác, khách hàng truyền thống để xem họ đang khó khăn, vướng mắc ở đâu, thị trường họ cần gì để có thể hợp tác và có thể triển khai đơn hàng được tới đâu. Đồng thời, qua cuộc tiếp xúc này cũng thông tin, chào hàng về các sản phẩm, mẫu mã hàng hóa mới mà mình có thể sản xuất được để các đối tác có thể nghiên cứu, lên đơn hàng cho thị trường”, ông Thông chia sẻ.

Theo ông Thông, thị trường gỗ vẫn còn rất nhiều tiềm năng, trong thời gian này, sẽ tận dụng cơ hội Trung Quốc mở cửa để tiếp xúc khách hàng. Tiếp đó là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. “Phải đi gặp thì mới biết khó ở đâu để gỡ và chào bán sản phẩm xem có phù hợp với thị trường không để điều chỉnh. Đơn hàng là sự sống còn của DN nên DN phải cố gắng và điều chỉnh”, ông Thông nói.

Cùng chung tình cảnh sụt giảm đơn hàng, nhưng DN xuất khẩu gạo có phần sáng sủa hơn. Bởi lương thực là nhu yếu phẩm, quốc gia nào cũng cần nên sức mua sẽ chậm lại theo thị trường giá cả.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay, lương thực, thực phẩm vẫn duy trì được đơn hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay bởi đây là nhu cầu thiết yếu. Hiện, Trung An đang chuẩn bị và thực hiện đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 4/2023 với khoảng 30.000 tấn gạo.

Dự kiến trong quý I/2023, doanh thu của Trung An ước đạt khoảng 15 triệu USD. Trung An vẫn đang tập trung vào các khách hàng truyền thống như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, châu Âu. Đơn hàng của Công ty mới ký hết tháng 4/2023, công ty cũng đang đàm phán với DN ở thị trường Mỹ, Philippines và Trung Đông. Tuy nhiên, theo ông Bình, có một vấn đề đang rất khó cho DN xuất khẩu gạo, đó là giá lúa ở trong nước khá cao so với giá gạo chào bán xuất khẩu.

Trên thực tế, thời điểm này, giá lúa trong nước thời điểm này vào khoảng trên 7000 đồng,kg, tương ứng rơi với giá gạo xuất khẩu là 540-550 USD/tấn. Trong khi giá chào bán gạo của DN ký trước đó là 490-500 USD/tấn.

“Giá gạo xuất khẩu không theo kịp giá lúa trong nước nên nếu DN chào bán giá thấp hơn sẽ lỗ, mà chào bán giá cao hơn thì sức mua sẽ chậm lại. Do vậy, phải nghe ngóng theo thị trường để tính toán giá cả hợp lý, giá cả theo thị trường chung của thế giới. Trước mắt có thể đơn hàng sẽ giảm”, ông Bình nhìn nhận.

Ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi cũng cho rằng, sự sụt giảm đơn hàng trong chuỗi cung ứng là điều khó tránh trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo sản xuất và việc làm, công ty đã chủ động tìm kiếm khách hàng và chào bán hàng qua nhiều kênh. Từ tiếp xúc trực tiếp hay online, marketing qua các trang thương mại điện tử cũng được công ty tận dụng tối đa, cộng với sự hỗ trợ trong việc tìm hiểu thị trường và kiểm tra thông tin từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài như ở thị trường Australia, Canada, Hoa Kỳ, công ty đã có đơn hàng ổn định.

Đẩy mạnh sản phẩm đón đầu xu hướng mới

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, EU có lợi thế lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhờ Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, DN cần quan tâm đến Thỏa thuận xanh châu Âu.

Theo bà Thúy, Thỏa thuận Xanh châu Âu có khả năng ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, tùy thuộc vào bản chất của ngành và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận. Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép; ngành bao bì, bao bì; nông sản và thủy sản; sắt thép…

“Thỏa thuận Xanh của EU đặt ra những thách thức cho DN Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các DN cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đón đầu các xu hướng mới để tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn để được hưởng lợi trong dài hạn”, bà Thúy nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho rằng, nhiều báo cáo, phân tích chỉ ra nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ sớm rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2023, tuy nhiên sự suy giảm này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, đồng thời tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tương tự tại thị trường UAE, ông Trương Xuân Trung - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) cho hay, đây là thị trường đặc thù, sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước, do đó, Việt Nam cần tranh thủ xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như thủy sản; nông sản (chanh không hạt, thanh long, dưa hấu, dừa tơi, quả bưởi, hạt điều, hạt tiêu); túi xách, vali, ví; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện vì hiện nay quy mô thị trường mặt hàng này rất lớn.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/khan-hiem-don-hang-doanh-nghiep-xoay-xo-tim-thi-truong-ngach-i684269/