Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.
Ngày 18.11, UBND TP.Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL.
Đối với định hướng quy hoạch, không gian phát triển của ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn vẫn được phát triển như vùng sản xuất lúa 48.000ha; vùng sản xuất cây ăn trái tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện Phong Điền, Thới Lai; vùng nuôi thủy sản tập trung chuyên canh ven sông Hậu. Đặc biệt, TP.Cần Thơ được quy hoạch trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL với 250ha gồm: quận Bình Thủy 50ha, huyện Cờ Đỏ 200ha; 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 1.665ha, 2 khu chăn nuôi tập trung quy mô 384 ha, 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Nông trường sông Hậu, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện gặp nhiều khó khăn như: Rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn; thiếu minh bạch và quản lý tài chính, điều này khiến các tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng trả nợ, dẫn đến e ngại khi cung cấp vốn; thiếu tài sản thế chấp do đất đai ở ĐBSCL bị chia nhỏ và giá trị không cao, nông dân khó có đủ tài sản thế chấp theo yêu cầu của ngân hàng; chi phí vốn cao, các khoản vay nông nghiệp thường có lãi suất cao hơn so với mức mà nông dân có thể chi trả, dẫn đến khó khăn trong duy trì và phát triển sản xuất.
Chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp: Các tổ chức tín dụng chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất dài hạn và đặc thù của ngành nông sản, gây hạn chế trong việc tiếp cận vốn. Thiếu cơ chế bảo hiểm nông nghiệp: Do thiếu các giải pháp bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp, rủi ro thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của nông dân, khiến các ngân hàng thêm thận trọng trong việc cung cấp tín dụng.
Hội thảo đã nghe nhiều báo cáo từ lãnh đạo TP.Cần Thơ, chuyên gia kinh tế, đại diện Ngân hàng Agribank và doanh nghiệp với các tham luận như: “Nguồn vốn nông nghiệp - nông thôn tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; “Tiếp cận tín dụng cho nông sản chủ lực ở ĐBSCL - từ góc nhìn doanh nghiệp” của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An; “Tín dụng - đòn bẩy cho chuỗi giá trị nông sản bền vững ở ĐBSCL” của ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; “Giải pháp mở rộng tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực tại ĐBSCL” do ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank trình bày; “Thực thi các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn: Kết quả và kiến nghị” do ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ trình bày;...
Tất cả các báo cáo xoay quanh vấn đề trọng tâm là tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, sản xuất kinh doanh xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây. Ngoài phần thuận lợi về chính sách, hầu hết các đại biểu còn nêu những khó khăn vướng mắc cần sớm tháo gỡ để chính sách tín dụng cho ngành hàng quan trọng ở ĐBSCL phát huy hiệu quả.
Sau các báo các là giải đáp thắc mắc của các đại diện Văn phòng Quốc hội các tỉnh ĐBSCL, lãnh đạo các sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)... Hầu hết đều thống nhất chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp với ngành hàng chủ lực cho vùng ĐBSCL là hợp lý, tuy nhiên, các thông tư và một số quy định từ ngành ngân hàng, quy định của ngân hàng về điều kiện vay vốn về quản lý nợ xấu, về cho vay cho các hợp tác xã, các hộ gia đình phục vụ sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Từ đó, người dân có nhu cầu chính đáng đôi khi không vay được vốn. Những bất cập này đẩy người dân có nhu cầu về vốn kinh doanh phải đến với tín dụng đen.
Hầu hết các ý kiến thắc mắc về chính sách, về những khó khăn vướng mắc được lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ; đại diện NHNN, các chuyên gia giải đáp cụ thể từng trường hợp. Các vấn đề nóng và bức xúc được đại diện HTX nêu lên, nhất là vấn đề HTX khó tiếp cận vốn; vấn đề nợ xấu và vấn đề lịch sử tín dụng của các hộ gia đình...
Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững là điều vô cùng quan trọng, tuy nhiên thực tế có nhiều vấn đề điểm nghẽn, vướng mắc cần phải có giải pháp và tháo gỡ. Chính vì vậy hội thảo có đại diện NHNN, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các tỉnh, làm rõ các vấn đề về chính sách, về những biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc tài chính, tín dụng để thúc đẩy ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển bền vững.