Khẩn trương bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ

Đầm Trà Ổ (còn được gọi là đầm Châu Trúc, đầm Bàu Bàng) là một đầm nước tự nhiên, rộng khoảng 1.200ha thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Không chỉ có khung cảnh đẹp làm mê đắm lòng người, đầm Trà Ổ còn được biết là nơi có tính đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản phong phú và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt ở đầm có loài thủy sản quý hiếm đặc hữu đó là loài chình mun (Anguilla bicolor) - loài cá tiến vua ngày xưa.

Tuy nhiên, trong những năm qua, do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương xung quanh đầm, đặc biệt là công tác quản lý chưa được hiệu quả, các hoạt động khai thác quá mức, khai thác bằng phương pháp hủy diệt đã làm suy kiệt nguồn lợi thủy hải sản ở đầm Trà Ổ.

Người dân khai thác thủy, hải sản trên đầm Trà Ổ.

Người dân khai thác thủy, hải sản trên đầm Trà Ổ.

Ông Trần Văn Thường, nguyên giảng viên Trường Đại học Nha Trang, cho biết, quê ông thuộc xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, nằm ở phía Nam đầm Trà Ổ nên ông có nhiều kỷ niệm thời tuổi thơ gắn với đầm này. “Hồi đó, trong đầm Trà Ổ có nhiều cỏ, rong, là nơi cư trú và thức ăn của tôm, cá. Cỏ rong mọc nhiều đến mức bà con thu hoạch về cho heo, gà ăn hoặc ủ làm phân bón trồng trọt. Nguồn lợi thủy sản ở đầm thì rất phong phú, đa dạng. Rạm phổ biến to gần bằng bàn tay người lớn; tôm, cá, cua, lươn nhiều vô kể. Đầm còn thông với biển qua cửa Hà Ra, nên ở đầm có một loài thủy sản đặc hữu, quý hiếm đó là chình mun. Cùng với đó là nhiều loài có giá trị kinh tế cao khác như chình bông, cá mòi cờ chấm, cá măng sữa, cá còm… Vào những đêm tối trời, dân ngụ ở ven đầm thường mang đèn măng-xông đi soi cá. Ngư cụ đánh bắt thủy sản lúc đó rất thô sơ, chỉ có lưới cước, nò sáo, giẹp. Mùa mưa ở đây bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, nhiều loại cá theo dòng nước đi lên, như cá lóc, cá trê và cả cá chép. Những con cá lạc lối thì lên những bãi cỏ, những đám ruộng”, ông Thường nhớ lại.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ cạn kiệt nhanh chóng, những cánh đồng rong, cỏ không còn nữa. Đã vậy, bà con lại sử dụng lưới lồng quá nhiều, mắt lưới nhỏ để đánh bắt nên cá, tôm bé đến cỡ nào cũng mắc lưới, nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đáng báo động hơn, có người còn dùng thuốc tẩy để vệ sinh lồng và xả thải trực tiếp xuống đầm nên không chỉ cỏ mà cả các loài thủy sản cũng khó lòng sống sót, nguồn lợi thủy sản vì thế suy giảm nhanh. Ông Bùi Xuân Bộ, ngư dân xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ cho biết, các loài như cá quả, cá chép, các diếc, cá chình mun, cá chình bông trước đây phổ biến trong đầm Trà Ổ, nhưng giờ rất ít hoặc không còn.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, nguồn lợi thủy sản ở đầm Trà Ổ đã góp phần quan trọng vào duy trì sinh kế, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Khoảng hơn 650 hộ dân của 4 xã ven đầm (Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng) có sinh kế đang phụ thuộc vào đầm. Vì vậy việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên đầm Trà Ổ là sức cấp thiết.

Nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cùng chia sẻ lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cuối năm 2022, Chi cục Thủy sản Bình Định đã hỗ trợ địa phương 4 xã ven đầm thành lập Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ, xây dựng phương án quản lý bảo vệ đầm Trà Ổ và Quy chế hoạt động của Tổ chức cộng đồng để có giải pháp quản lý phù hợp, vừa phát triển sinh kế của cư dân, vừa bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và phát triển hệ sinh thái thủy sinh trên đầm Trà Ổ.

Ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, Trưởng Ban đại diện Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ chia sẻ, thời gian tới, Ban đại diện Tổ chức cộng đồng sẽ nộp hồ sơ lên UBND huyện Phù Mỹ để được công nhận và giao quyền quản lý đầm Trà Ổ theo Luật Thủy sản năm 2017. “Sau khi được công nhận và giao quyền, chúng tôi sẽ thực hiện triển khai ký cam kết với các hộ dân không khai thác kiểu tận diệt trên đầm Trà Ổ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, giám sát và xử lý vi phạm, tiến tới chấm dứt hẳn tình trạng khai thác thủy sản bằng các dụng cụ bị cấm như xung điện trên đầm Trà Ổ”, ông Linh nói.

Ái Trinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/khan-truong-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-dam-tra-o-i692918/