Khẩn trương chuẩn bị khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông có chiều dài 188 km, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo tiến độ khởi công dự án đúng theo kế hoạch vào tháng 6/2023.

Dự án cao Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Dự án cao Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Giai đoạn 1 của dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Trung ương giao cho các địa phương làm chủ đầu tư và triển khai xây dựng, với 4 dự án thành phần gồm: Châu Ðốc - Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thạnh - Thới Lai, Châu Thành A - Phụng Hiệp và Phụng Hiệp - Trần Ðề. Tại thành phố Cần Thơ, tuyến đi qua huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai là dự án thành phần 2 với chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.845 tỷ đồng.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, dự án thành phần 2 của cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng một trong các công trình trọng điểm của thành phố trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay do thành phố làm chủ đầu tư cho nên các công việc phải làm hết sức kỹ lưỡng, đảm bảo về mặt thời gian, chất lượng và quy định pháp luật.

Dự kiến nguồn cát cần để sang lấp cho dự án này khoảng 18 triệu m3 và đây cũng là vấn đề các địa phương quan tâm nhất. Ông Dương Tấn Hiển cho biết, các mỏ cát của thành phố Cần Thơ có cát nhưng chất lượng lại không đảm bảo nên không thể khai thác để san lấp dự án. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận xác định nguồn cát để thực hiện cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ được lấy từ các mỏ của tỉnh An Giang và trữ lượng cát của An Giang đủ để đáp ứng cho dự án này.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, đến nay việc khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn đã hoàn thành; khảo sát mỏ vật liệu, thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa và bãi đổ thải cũng đã hoàn thành và cấp số liệu cho thiết kế. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 2; Sở Giao thông Vận tải đang tham mưu UBND thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi…

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, toàn tuyến dự án thành phần 2 dự kiến có khoảng 908 trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay đã hoàn thành đo đạc hồ sơ kỹ thuật đất, ban hành thông báo thu hồi đất để phục vụ các bước tiếp theo. Việc kiểm đếm được 787/908 trường hợp, dự kiến cần khoảng 260 nền tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, tiến độ thực hiện các công việc cơ bản đạt yêu cầu.

Ba địa phương có tuyến cao tốc đi qua là các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai cho biết, cơ quan chức năng đang thực hiện các công việc như kiểm đếm, thông báo thu hồi đất, chính sách tái định cư cho người dân…

Theo ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tuyến cao tốc đi qua địa bàn Vĩnh Thạnh 9,2 km. Sau khi có chủ trương thực hiện đầu tư cao tốc, huyện đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức họp dân và sự đồng thuận của người dân rất cao. Đến nay, Vĩnh Thạnh cũng đo đạc, kiểm đếm hoàn thành 160/160 trường hợp bị ảnh hưởng; huyện chuẩn bị ban hành thông báo thu hồi đất và các thủ tục tiếp theo…

Trên địa bàn Sóc Trăng, cao tốc sẽ được kết nối vào cảng biển Trần Đề, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang cặp theo sông Hậu. Để đẩy nhanh tiến độ các địa phương có dự án đi qua đang khẩn trương tập trung thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 của tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tại Ban đang phối hợp với các huyện để giao, nhận mốc, cọc giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua ở Sóc Trăng cũng đang tổ chức đo đạc, kiểm đếm nhà cửa, công trình, vật kiến trúc, hoa màu để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân theo đúng quy định.

Mới đây tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng lưu ý, với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương làm chủ đầu từ các dự án cao tốc, cùng với phân bổ nguồn lực phù hợp, các địa phương phải nâng cao năng lực cán bộ thực thi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, không trông chờ, ỷ lại. Khó khăn, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm giải quyết, cái nào vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lại.

Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục phát huy, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ các dự án, đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện nhiệm vụ đầu tư chặt chẽ, sát tình hình thực tế. Các bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương xây dựng các dự án tiền khả thi, tiến độ triển khai các dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, thực hiện hiệu quả phân cấp, phân quyền. Đối với giải phóng mặt bằng, tái định cư trong thực hiện các dự án là vấn đề liên quan đến người dân, cần vận động tư tưởng của người dân, làm cho người dân thông, người dân hiểu, còn vướng mắc cần đối thoại cùng người dân tìm hướng giải quyết phù hợp.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QÐ-TTg ngày 1/9/2021, khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km với quy mô từ 4-6 làn xe; trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.

Ba tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245 km, cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 180 km, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km. Ba tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km gồm cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km, cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, cao tốc Hồng Ngự (Ðồng Tháp) - Trà Vinh dài 188 km.

Thanh Liêm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khan-truong-chuan-bi-khoi-cong-cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang-20230214075633576.htm