Khẩn trương củng cố hệ thống đê điều sau lũ

Do nước lũ dâng cao sau bão số 3 khiến nhiều vị trí trên các tuyến đê trong tỉnh bị rò rỉ, thẩm lậu. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc triển khai giải pháp khắc phục trước mắt, song về lâu dài rất cần được quan tâm đầu tư, củng cố, nâng cao năng lực chống lũ cho các tuyến đê.

Xuất hiện nhiều sự cố

Với hơn 95 km đê từ cấp II đến cấp V, huyện Yên Dũng là địa phương có tổng chiều dài đê lớn nhất tỉnh. Các tuyến hình thành từ lâu đời, nguyên liệu đắp đê qua các thời kỳ không đồng nhất. Hầu hết đê ở nông thôn ngoài chức năng ngăn lũ, bảo vệ mùa màng và đời sống dân sinh còn là hệ thống giao thông quan trọng. Trong bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão, Yên Dũng xảy ra tổng số 38 sự cố đê điều trên các tuyến: Tả Thương (3 sự cố), hữu Thương Ba Tổng (4 sự cố), tả Cầu Ba Tổng (12 sự cố), đê bối (19 sự cố) với các biểu hiện như: Sạt trượt, rò rỉ, thẩm lậu, sụt lún, vỡ, nứt mặt đê.

 Mở đường tránh cho các phương tiện đi qua khu vực mặt đê đang bị lún, nứt thuộc địa bàn thôn Mai Hạ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa).

Mở đường tránh cho các phương tiện đi qua khu vực mặt đê đang bị lún, nứt thuộc địa bàn thôn Mai Hạ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa).

Theo ông Khổng Minh Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng, khi xuất hiện các sự cố, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực khắc phục bước đầu bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần biện pháp xử lý kỹ thuật chuyên sâu mới khắc phục triệt để sự cố. Huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức khắc phục các sự số nhỏ, đồng thời kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xử lý các vị trí sạt trượt lớn.

Tương tự, tại đê tả Cầu thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa xuất hiện 17 điểm rò rỉ, thẩm lậu, trong đó tại các xã:Quang Minh 7 điểm; Xuân Cẩm 6 điểm; Mai Đình 3 điểm; Hợp Thịnh 1 điểm. Ngày 12/9, qua kiểm tra, lực lượng chức năng xã Mai Đình phát hiện vết nứt, lún trên mặt đê kéo dài từ Km30+700 đến Km30+800, thuộc thôn Mai Hạ. Chiều rộng vết nứt từ 0,3 - 0,5 cm; dài khoảng 150 m, có xu hướng phát triển thêm. Để xử lý bước đầu, lực lượng chức năng xã đã trải bạt che phủ ngăn nước mưa không thấm vào thân đê, cấm xe ô tô lưu thông qua khu vực.

Công ty TNHH Hòa Phú Invest - chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, giáp với tuyến đê và khu vực xảy ra sự cố đã bố trí các xe ô tô, máy ủi, máy xúc cùng lực lượng chức năng địa phương chở hàng trăm m3 đất gia cố chân đê phía đồng, mở đường phụ cho phương tiện vận tải tránh đi qua khu vực nguy hiểm này, giảm áp lực cho khu vực đê yếu.

 Mặt đê tả Cầu, đoạn qua thôn Mai Hạ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) bị lún, nứt.

Mặt đê tả Cầu, đoạn qua thôn Mai Hạ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) bị lún, nứt.

Ông Trần Sỹ Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú Invest cho biết: “Tuyến đê tả Cầu đoạn qua xã Mai Đình được ví như “lá chắn” trước lũ, bảo vệ toàn bộ KCN Hòa Phú. Dù nước trên sông Cầu đã rút song mưa bão vẫn có thể diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, chúng tôi rất lo ngại nếu sự cố không được khắc phục sớm sẽ đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản cho hàng chục nghìn lao động và doanh nghiệp tại đây”.

Ưu tiên các công trình cấp thiết

Bắc Giang có khoảng 400 km đê các loại. Trước khi bão số 3 đổ vào địa bàn, các tuyến đê đều được cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, tu bổ ở vị trí xung yếu; đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an toàn. Ông Khổng Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Sau mưa bão, đơn vị đã cho kiểm tra, đánh giá tổng thể toàn bộ hệ thống đê trong tỉnh. Toàn tỉnh xảy ra 104 sự cố công trình đê điều, bao gồm 57 sự cố trên tuyến đê cấp II, cấp III và 47 sự cố trên các tuyến đê cấp IV, cấp V. Căn cứ mức độ thiệt hại, đơn vị tham mưu với tỉnh phương án khắc phục, trước mắt sẽ ưu tiên xử lý trước đối với các vị trí sạt lở, sụt lún, nứt trên tuyến đê chính, đê bối gần khu dân sinh, KCN".

Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh khoảng 440 tỷ đồng khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi. Trong số này, hơn 137 tỷ đồng là kinh phí hỗ trợ xử lý các công trình đê điều.

Được biết, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ khoảng 440 tỷ đồng khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi, trong đó phần kinh phí hỗ trợ xử lý các công trình đê điều hơn 137 tỷ đồng. Khi được cấp kinh phí, Sở sẽ tham mưu với tỉnh ưu tiên phân bổ cho việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các hạng mục cấp thiết ở gần KCN, khu vực dân sinh, những sự cố nghiêm trọng đang có xu hướng phát triển.

Đê tả Cầu, đoạn từ Km26 đến Km26+200, Km32+150 đến Km32+20 thuộc địa bàn các thôn Mai Hạ, Châu Lỗ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) hiện đang thấp hơn so với mặt đê ở những xã phía đầu nguồn. Vừa qua, có thời điểm nước trên sông Cầu dâng cao chỉ cách vài chục cen ti mét là tràn mặt đê, đe dọa sự an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, địa phương và doanh nghiệp.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để bảo đảm an toàn ngăn lũ, khu vực này cần gia cố nâng cao mặt đê kết hợp với xây tường chắn phía sông. Hay như trên đê hữu Lục Nam đoạn qua xã Yên Sơn (Lục Nam) có đoạn bị sạt lở dài 12 m, cung sạt ăn sâu vào mái 1 m về phía đồng cần đắp phụ mái, đắp cơ chân đê phía đồng. Ngoài ra còn hàng chục tuyến đê bối do địa phương quản lý bị sạt lở, lún cũng cần đầu tư kinh phí gia cố mới bảo đảm an toàn khi lũ trên sông dâng cao.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, hiện nay, tỉnh đã có quy định phân cấp quản lý đối với từng tuyến đê. Do vậy, đối với các sự cố nhỏ, đề nghị các địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý cần chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn huy động khác để khắc phục thiệt hại. Ngành Nông nghiệp tiếp tục đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều, kiên quyết xử lý trường hợp xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Các xã, phường, thị trấn có đê thường xuyên chỉ đạo lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác, phát quang cỏ dại trên mái đê để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Từ kinh nghiệm của huyện Hiệp Hòa trong việc huy động doanh nghiệp bố trí máy móc, thiết bị, vật tư tham gia bảo vệ đê điều, UBND tỉnh khuyến khích các địa phương phát huy tinh thần chủ động, kêu gọi cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở địa phương hỗ trợ về nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị tập trung xử lý, khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, bảo đảm ổn định tình hình, nâng cao năng lực chống lũ cho các tuyến đê thuộc địa bàn quản lý.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khan-truong-cung-co-he-thong-de-dieu-sau-lu-101020.bbg