Khẩn trương di dời phương tiện thủy khỏi hồ Tây

Hàng loạt những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ đã khiến yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội về việc tháo dỡ, di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa vi phạm ra khỏi hồ Tây chưa được hoàn thành. Đã 6 năm trôi qua, hiện vẫn còn 4/147 phương tiện vi phạm 'án ngữ' mặt hồ, làm mất đi nét đẹp vốn có của hồ Tây. Vậy, giải pháp nào gỡ rối cho tồn tại trên?

Các phương tiện thủy nội địa vi phạm cần sớm được di dời để trả lại cảnh quan cho hồ Tây.

Các phương tiện thủy nội địa vi phạm cần sớm được di dời để trả lại cảnh quan cho hồ Tây.

Mất mỹ quan đô thị

Bên mé hồ Tây, giáp khu vực Đầm Bảy, thuộc địa phận phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) hiện vẫn án ngữ những khối sắt lớn đồ sộ. Đó là vỏ của 3 con tàu lớn và 1 bến cập du thuyền (mặt sàn) bị bỏ hoang nhiều năm của Công ty cổ phần Sông Potomac (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) và Công ty cổ phần Nhà nổi hồ Tây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Theo quan sát của phóng viên Báo Hànôịmới, các phương tiện này đã xuống cấp, hoen gỉ, trong đó nhiều đoạn lan can, thanh chắn quanh tàu “Nàng tiên cá” bị gãy, xô nghiêng, rất mất mỹ quan đô thị.

Trao đổi với phóng viên, ông Hàn Mạnh Tùng (ở tổ dân phố 2, phường Nhật Tân) chia sẻ: “Hầu hết người dân sống trong khu vực đều mong muốn các cấp, ngành sớm xử lý dứt điểm những phương tiện thủy nội địa vi phạm tại hồ Tây. Có như vậy mới bảo đảm công bằng với các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện di dời phương tiện ra khỏi hồ Tây trước đó, bảo đảm pháp luật được thực thi”. Còn Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố về di dời các phương tiện thủy nội địa còn lại ra khỏi hồ Tây, phường đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ được giao theo lộ trình, bảo đảm an ninh, an toàn nhất”.

Trở lại thời “hoàng kim” của số tàu, thuyền này, khoảng những năm 2000, có 14 doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác bến thủy nội địa, sử dụng 147 phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí... trên hồ Tây. Tuy nhiên, do không bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy; kiểm định phương tiện..., nên ngày 7-2-2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 38/TB-UBND, chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí và di chuyển tàu, thuyền, phương tiện nổi về vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi hồ Tây.

Thực hiện thông báo trên, 143/147 phương tiện đã được di dời, chỉ còn 4 phương tiện có tải trọng và kích thước rất lớn nêu trên chưa thực hiện. Nói về lý do của việc này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn thông tin: Các công ty đề nghị cấp thẩm quyền bồi thường thiệt hại do ngừng kinh doanh trên hồ Tây. Tuy nhiên, xét trên các khía cạnh pháp lý, UBND thành phố đã nhiều lần trả lời và khẳng định, đề nghị trên không có căn cứ.

Một phương tiện thủy nội địa xuống cấp nghiêm trọng được tập kết tại hồ Tây, thuộc địa phận phường Nhật Tân (quận Tây Hồ).

Một phương tiện thủy nội địa xuống cấp nghiêm trọng được tập kết tại hồ Tây, thuộc địa phận phường Nhật Tân (quận Tây Hồ).

Cần khẩn trương vào cuộc

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, quận Tây Hồ đã thiết lập quy trình xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, cuối năm 2022, UBND quận đã ra các quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty cổ phần Nhà nổi hồ Tây và Công ty cổ phần Sông Potomac, phải thanh thải vật chướng ngại ra khỏi tuyến đường thủy nội địa hồ Tây và trục vớt, thanh thải tài sản liên quan..., nhưng 2 công ty này không thực hiện.

Theo UBND quận Tây Hồ, do các tàu, thuyền có tải trọng và kích thước quá lớn (nặng trên 400 tấn, mặt sàn khoảng 350m2), cơ quan chức năng không đủ thiết bị chuyên dùng để di chuyển. Mặt khác, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực không đáp ứng yêu cầu vận chuyển những tàu, thuyền này, nên UBND quận đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận phương án tháo dỡ chúng thành từng phần nhỏ để cẩu lên bờ, đưa đến điểm tập kết…

Để bảo đảm cơ sở pháp lý, từ cuối năm 2022 đến nay, UBND quận Tây Hồ đã nhiều lần có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp Hà Nội, đề nghị cho ý kiến thẩm định phương án, biện pháp cưỡng chế phá dỡ nêu trên. Mới đây nhất (ngày 7-3-2023), Văn phòng UBND thành phố cũng ban hành Thông báo số 66/TB-VP kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tại cuộc họp về công tác tổ chức tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa còn lại ra khỏi hồ Tây. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương kiểm tra, khẳng định về hiệu lực pháp lý của giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy đăng ký phương tiện thủy nội địa với các phương tiện trên... Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Tây Hồ rà soát, củng cố cơ sở pháp lý, phương án cưỡng chế, tháo dỡ, di dời các phương tiện... Hiện nay, hai sở đang tập trung nghiên cứu để hướng dẫn UBND quận Tây Hồ tổ chức thực hiện.

Với tính chất vụ việc như vậy, việc phối hợp giữa UBND quận Tây Hồ với các sở, ngành thành phố là yêu cầu rất cần thiết và phải thật khẩn trương. Chỉ khi các cơ quan chức năng cùng thể hiện rõ trách nhiệm thì hồ Tây - thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô mới đẹp, văn minh.

Thiện - Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1059006/khan-truong-di-doi-phuong-tien-thuy-khoi-ho-tay