Khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả sau cơn lũ dữ
Từng thi thể trong số 15 người chết và mất tích do bão lũ ở Thanh Hóa được phát hiện khiến nỗi đau càng gấp bội. Chính quyền, lực lượng chức năng đang ngày đêm bám trụ các bản làng giúp dân khắc phục thiệt hại, tìm kiếm người mất tích…
Ở sát biên giới Việt – Lào, lại nằm trong thung lũng bao đời yên bình, chỉ ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 nhưng bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) thành “địa chỉ đỏ” bởi thiên tai giận dữ. Lũ cuốn trôi 35 ngôi nhà, làm 10 người chết và mất tích; cướp đi sinh kế, hy vọng của hơn 300 người…
Gốc, thân cây rừng tràn lan khắp các bản, ở dưới sông Luồng, suối Son, ven bờ. Ước lượng hàng trăm khối gỗ cổ thụ với dấu cưa, gỗ thành phẩm tràn lan có thể hình dung rừng tự nhiên bị tàn phá dữ dội đến mức nào.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lũ càng dữ và tàn phá nặng nề đến môi trường, dân cư và tàn phá trực tiếp đến bản Sa Ná và các vùng dân cư ven sông Luồng, phía hạ lưu…
Chiều 6-8, thi thể cháu Hà Văn Quỳnh (10 tuổi, ngụ bản Sa Ná) được phát hiện trên sông Luồng (thuộc bản Bo, xã Na Mèo), cách bản Na Sá 3km. Cháu Quỳnh là con anh Hà Văn Vân (29 tuổi). Anh Vân còn 5 người thân đang mất tích là bố, mẹ, vợ, con trai và chị gái. Như vậy, thi thể 4 người mất tích (2 người ở bản Sa Ná, xã Na Mèo) và 2 người ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy) đã được phát hiện.
Chiều 6-8, người dân phát hiện thi thể người đàn ông trôi trên sông Mã ở gần thủy điện Bá Thước 2 (xã Điền Lư, huyện Bá Thước). Ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Điền Lư nhận định, có thể thi thể này có thể là nạn nhân lũ lụt của huyện Quan Sơn hoặc Mường Lát trôi theo sông Mã về.
Hiện vẫn còn 8 người của bản Sa Ná đang mất tích. Những cuộc tìm kiếm người mất tích của người dân và hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng, bộ đội… được thực hiện tỉ mỉ và đầy trách nhiệm dọc các con sông, con suối, quanh các quả đồi, dưới các đống đổ nát…
Chị Hà Thị Quý - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Mèo chia sẻ: “Chúng tôi mong chung tay hỗ trợ, san sẻ của các ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm để giúp bà con khắc phục thiệt hại, vượt qua khó khăn. Với tình cảnh đau thương, mất mát nặng nề như vậy, bà con không thể đứng dậy được nếu không có sự giúp đỡ” …
Đến sáng 8-7, Lữ đoàn Công binh 414 Quân khu 4 hoàn thành lắp ráp chiếc cầu phao dã chiến vượt qua sông Luồng để vào bản Sa Ná. Cầu phao này có tải trọng 1,5 tấn, hoàn thành sau 3 ngày chuẩn bị, lắp ráp.
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ngày 6-8, cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục tại huyện Mường Lát; thăm, tặng quà các hộ dân có nhà bị sập, bị lũ cuốn trôi tại xã Nhi Sơn. Ông Chiến đến thắp hương và chia buồn với gia đình đồng chí Thao Văn Súa (33 tuổi) - Trưởng Công an xã Nhi Sơn, hy sinh trong lúc giúp dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng truy tặng bằng khen và số tiền 30 triệu đồng đến gia đình đống chí Súa vì sự dũng cảm trong quá trình triển khai ứng phó mưa lũ. Ngày 5-8, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn tất hồ sơ để Bộ trình Chính phủ xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Súa.