Khẩn trương hoàn thiện phác đồ điều trị chính thức cho bò sữa bị bệnh tại Lâm Đồng

Sau khi kiểm tra thực tế tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan trung ương cùng địa phương, nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu đàn bò sữa bị tiêu chảy; khẩn trương tinh chỉnh, hoàn thiện phác đồ điều trị chính thức cho bò bị bệnh.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kiểm tra thuốc người dân đang dùng để điều trị cho bò.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kiểm tra thuốc người dân đang dùng để điều trị cho bò.

Ngày 10/8, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương, những vùng nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi đi thực tế thăm nắm tình hình và động viên người chăn nuôi có bò sữa bị mắc bệnh, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác, gồm Cục Thú y, cơ quan chức năng liên quan, các chuyên gia có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan trung ương cùng địa phương nhanh chóng triển khai các giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại; tránh để bệnh lan rộng, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Sau khi nghe các chuyên gia trình bày ý kiến, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, tập trung một số nhiệm vụ trước mắt để điều trị và ngăn chặn bệnh lây lan.

Trong đó, Cục thú y cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tinh chỉnh, hoàn thiện phác đồ điều trị chính thức cho bò bị bệnh để phổ biến kịp thời đến người dân, hỗ trợ người dân điều trị, ngăn chặn bệnh lây lan.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp đầu ngành về chăn nuôi hỗ trợ vật tư y tế, thuốc men để tỉnh Lâm Đồng tập trung điều trị bò bị bệnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan cần nhanh chóng xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bò bị tiêu chảy hàng loạt. Trong đó, cần xác định nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để làm cơ sở xác định đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại sau này.

Người chăn nuôi xã Tu Tra, huyện Đơn Dương dùng mọi biện pháp cứu bò sữa bị nhiễm bệnh tiêu chảy.

Người chăn nuôi xã Tu Tra, huyện Đơn Dương dùng mọi biện pháp cứu bò sữa bị nhiễm bệnh tiêu chảy.

Để bảo đảm tính chính xác, cơ quan chuyên môn cần lấy thêm mẫu xét nghiệm đối với bò đang còn khỏe, bò chưa tiêm vaccine viêm da nổi cục, bò đã tiêm nhưng chưa chết… Sau khi có kết luận chính thức, Bộ sẽ công bố nguyên nhân khiến hàng loạt bò sữa bị tiêu chảy, bỏ ăn, kiệt sức và chết tại hai địa phương Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Như Báo Nhân Dân đã thông tin, từ ngày 7/8, đoàn công tác của Cục Thú y đã đến các hộ có bò bệnh, chết tại 2 địa phương trên để tổ chức lấy mẫu điều tra, xác định nguyên nhân. Hai tổ của Cục Thú y đã đến trực tiếp huyện Đơn Dương và Đức Trọng để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh và hướng dẫn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cũng đã cử cán bộ vào Lâm Đồng để phối hợp làm việc với Cục Thú y.

Nhiều con bò sữa tại huyện Đơn Dương bị tiêu chảy, bỏ ăn.

Nhiều con bò sữa tại huyện Đơn Dương bị tiêu chảy, bỏ ăn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc làm tổ trưởng, để chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc thông tin: “Qua so sánh ngắn ngày, hiện tượng bò chết có xu hướng giảm, chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, lập sơ đồ theo dõi để kịp thời xử lý, báo cáo. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và xử lý bò bị chết đúng quy trình, bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Ngày 9/8, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cũng đã kiểm tra thực tế tại địa phương có bò bị bệnh và làm việc với địa phương, cơ quan chức năng về triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò sữa tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương. Đồng chí nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu là tập trung cứu chữa đàn bò đang bị bệnh, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.

Những con bò sữa chết được vận chuyển đi tiêu hủy theo quy định.

Những con bò sữa chết được vận chuyển đi tiêu hủy theo quy định.

Những ngày gần đây, Báo Nhân Dân liên tục thông tin về tình trạng hàng nghìn con bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị bệnh tiêu chảy, bỏ ăn, tụt sữa, kiệt sức và chết hàng loạt. Đáng chú ý, người chăn nuôi cho rằng, những con bò bị tình trạng trên sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, những con không tiêm vẫn bình thường.

Theo thống kê, đến 9 giờ ngày 10/8, tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương đã có 4.495 con bò sữa và bê của 237 hộ trên địa bàn 6 xã bị bệnh tiêu chảy; trong đó có 181 con bị chết, gồm huyện Đức Trọng 42 con, Đơn Dương 139 con.

Lực lượng chức năng hỗ trợ vận chuyển, tiêu hủy những con bò sữa chết, tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng trưa 10/8,

Lực lượng chức năng hỗ trợ vận chuyển, tiêu hủy những con bò sữa chết, tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng trưa 10/8,

Ngày 10/8, tiếp tục thực tế tại vùng chăn nuôi bò sữa thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng và xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, chúng tôi chứng kiến lực lượng chức năng vẫn đang hỗ trợ người dân vận chuyển, tiêu hủy những con bò sữa bị chết theo quy định.

Người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương hoang mang, lo lắng khi những con bò sữa bị mắc tiêu chảy, kiệt sức và chết chưa rõ nguyên nhân.

Người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương hoang mang, lo lắng khi những con bò sữa bị mắc tiêu chảy, kiệt sức và chết chưa rõ nguyên nhân.

Người chăn nuôi bò sữa ở những vùng quê này đang rất hoang mang, lo lắng, khi kế sinh nhai đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

MAI VĂN BẢO - VÕ DIỄM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khan-truong-hoan-thien-phac-do-dieu-tri-chinh-thuc-cho-bo-sua-bi-benh-tai-lam-dong-post823695.html