Khẩn trương khắc phục diện tích lúa bị thiệt hại do mưa úng
Hàng nghìn ha lúa Mùa chưa thể xuống giống, ngoài ra hơn 6 nghìn ha lúa đã gieo cấy nhưng bị ngập sâu dưới nước. Trong đó, nhiều diện tích không có khả năng phục hồi, phải gieo cấy lại. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp và các địa phương trong bối cảnh thời vụ còn lại rất ngắn.
Sau đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 13/7 đến 22/7, nhiều nơi tổng lượng mưa lên tới trên 400 mm đã khiến gần 6.200 ha lúa Mùa trên địa bàn tỉnh vừa cấy ngập sâu dưới nước. Ngay sau đó lại thêm đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 càng làm gia tăng tình trạng ngập úng, nhiều diện tích lúa không có khả năng phục hồi phải cấy lại.
Gần 200 ha lúa của HTX Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư là một ví dụ. Ông Nguyễn Duy Khương, Giám đốc HTX Bạch Cừ chia sẻ: Hầu hết các cánh đồng của HTX thuộc vùng sâu trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng nhưng lần này lượng mưa quá lớn, dồn dập, vừa bơm cạn chiều nay, qua một đêm mưa lớn lại ngập. Gần 200 ha lúa của HTX chỉ cứu được 20 ha, còn lại mất trắng.
Tranh thủ ngớt mưa, bà Phạm Thị Mùi, thôn Đông Phú, HTX Bạch Cừ ra kiểm tra những diện tích lúa mới gieo của gia đình nhưng thật xót xa khi phần lớn trong số đó đã bị hư hại. Bà cho biết: 3 sào lúa ở khu đồng cao còn cứu được chứ 1 mẫu ở khu đồng trũng thì ngập tới gần nửa mét, khả năng hồi phục là không thể, cây nào cây đấy gẫy dập, rễ thì không phát triển được nữa.
"Sốt ruột về thời vụ, tôi đã mang thóc giống ra ngâm để sẵn sàng khi nào trời tạnh là gieo ngay, nhưng rồi cứ mưa mãi không ngớt nên lại phải đổ ra phơi cho gà ăn dần. Hôm nay, tôi lại tiếp tục ngâm mẻ mới và chờ đợi "ông trời"..., hy vọng sẽ gieo cấy xong tháng 7 để đảm bảo năng suất cuối vụ.
Cùng cảnh ngộ, cả tuần nay ông Nguyễn Quốc Huy (thôn Cổ Loan 1, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình) đứng ngồi không yên vì 6 mẫu ruộng của gia đình gieo đến lần thứ 3 rồi mà vẫn bị hỏng. Sốt ruột quá, mấy ngày nay, ông phải dùng đầu máy nổ của máy lồng để hoán cải, lai với máy bơm ngày đêm bơm tát nước từ ruộng lúa của gia đình ra mương với hy vọng nước sớm rút để có thể tiếp tục gieo lại trong 1-2 ngày tới.
Gần 4 tạ lúa giống coi như đổ xuống sông, xuống biển, đó là chưa kể tiền cày bừa, phân bón rồi bao nhiêu công sức nữa. Tuy nhiên, làm nông nghiệp cũng khó tránh khỏi rủi ro nên tôi đã mua giống, ngâm ủ, quyết tâm phủ kín diện tích.
Quyết tâm khắc phục khó khăn, phủ kín diện tích của ông Huy cũng là quyết tâm của cả ngành nông nghiệp, các địa phương, nông dân trên địa bàn tỉnh lúc này. 2 ngày nay, tranh thủ mưa ngớt, trên khắp các cánh đồng, bà con sớm tối cần mẫn, người làm đất, san ruộng, người dặm tỉa, bón phân, gieo cấy... Sân nhà, đường đi được tận dụng để làm mạ.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi, những ngày qua, hơn 200 máy bơm ở tất cả các trạm bơm đều đã hoạt động hết công suất, nhiều công trình, cống dưới đê cũng đã được vận hành. Trong điều kiện khó khăn, nhiều HTX, bà con nông dân đã phải dùng thêm các trạm bơm dã chiến, các máy bơm điện, bơm dầu để cứu lúa. Nhờ đó, tính đến ngày 25/7, toàn tỉnh đã cơ bản tiêu úng cho gần hết các diện tích bị ngập.
Để tập trung khắc phục kịp thời ảnh hưởng do mưa lớn gây ra, đảm bảo tiếp tục hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất. Đối với cây lúa, những diện tích chưa cấy thì tiến hành rút nước, tập trung làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7/2024.
Những diện tích lúa bị ngập có khả năng phục hồi sau khi nước rút tiến hành vệ sinh đồng ruộng, sử dụng mạ thừa, mạ dự phòng dặm tỉa bổ sung đảm bảo mật độ, tuyệt đối không bón ngay phân đạm hoặc các loại phân bón có hàm lượng đạm. Sau 2-3 ngày bón bổ sung 5-7 kg super lân/sào để kích thích sự phát triển của bộ rễ, giúp cây nhanh hồi phục, khi cây ra lá mới bón bổ sung 2-3 kg phân đạm Ure/sào. Đồng thời theo dõi chặt chẽ và phòng trừ kịp thời ốc bươu vàng, chuột hại.
Đối với những diện tích lúa mới gieo bị dồn, trôi mộng mạ hoặc những diện tích lúa mới cấy bị ngập úng không có khả năng phục hồi, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các giống ngắn ngày như: Khang dân 18, Bắc thơm số 7, QR1… để gieo cấy lại.
Do điều kiện dự kiến thời tiết tiếp tục có mưa, các địa phương hạn chế sử dụng phương thức gieo thẳng, chú trọng sử dụng phương thức gieo mạ nền để cấy, phấn đấu gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch.
Đối với những diện tích lúa mùa sớm ít chịu ảnh hưởng ngập úng, nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chăm bón để cây lúa đẻ nhánh, sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Đối với cây màu, khẩn trương tiêu nước cho những diện tích bị ngập úng; tiến hành xới xáo, phá váng, vun gốc kết hợp với bón bổ sung từ 5-7 kg super lân/sào cho diện tích đã gieo trồng để kích thích sự phát triển của bộ rễ, giúp cây nhanh hồi phục. Sau đó, mới tiếp tục chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Tiếp tục gieo trồng các cây màu còn thời vụ, đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Dự báo trong thời gian tới, miền Bắc khả năng sẽ đón thêm những đợt mưa to diện rộng vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Do vậy, đòi hỏi ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết và các sinh vật hại gây ra.