Khẩn trương khắc phục sạt lở trên QL55 sau mưa lũ
Nhiều ngày qua, mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng trên QL55, gây ngập úng thiệt hại hàng nghìn héc ta hoa màu ở Bình Thuận.
Ông Nguyễn Đức Minh Tiến, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam về tình hình sạt lở, hư hỏng trên tuyến QL55 đoạn đi qua tỉnh do mưa lũ.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 và bão số 2 đã gây mưa to đến rất to kéo dài nhiều ngày.
Chiều 30/7 đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ tràn lấp rãnh, lấp lề, mặt đường, xói lở mái taluy… trên tuyến QL55, gây ách tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn kết cấu công trình đường bộ.
Cụ thể đoạn từ Km 177+000 - Km 204+500 có khoảng 43 vị trí bị sạt lở với khối lượng khoảng 9.300 m3, đặc biệt trong đó có 7 vị trí sạt lở gây tắc đường. Nguyên nhân được xác định do mưa kéo dài làm cho phần đất phía đồi ngậm nước lâu ngày dẫn đến sạt trượt, lở đất đá, cây cối tràn lấp rãnh, lề, mặt đường.
Ngay sau xảy ra sạt lở, Sở GTVT đã phối hợp với chính quyền địa phương điều động phương tiện dọn dẹp thông đường trở lại ngay trong chiều 30/7. Tuy nhiên trên QL55 nguy cơ sạt lở vẫn ở mức cao, bởi theo dự báo trời tiếp tục có mưa lớn những ngày tới.
Để khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với tuyến QL55, Sở đề nghị cần xây dựng ngay công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông. Dự kiến, thời gian xây dựng công trình khoảng 30 ngày với chi phí khoảng 700 triệu đồng.
Liên quan đến tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã có công văn gửi các địa phương nhanh chóng khắc phục các khu vực sạt lở, nhất là tuyến QL55 qua huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Bắc.
Đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, nhà ngập sâu, thiệt hại hoa màu do ngập nước. Rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ ngập úng, có phương án đảm bảo an toàn, đặc biệt tại các khu vực đèo, dốc… nguy cơ sạt lở cao.
Theo báo cáo sơ bộ đến ngày 31/7, mưa lũ làm thiệt hại ở huyện Tánh Linh hơn 60 tỷ đồng, hàng nghìn diện tích hoa màu, lúa bị ngập úng. Tại huyện Hàm Thuận Nam nước lũ gây ngập 14 căn nhà, nhiều gia súc, gia cầm, hoa màu bị ngập úng cuốn trôi…
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, lượng mưa có thể đạt trên 100mm.