Khẩn trương lấy ý kiến cử tri việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa

Các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường trực thuộc TP Thanh Hóa. Thời gian thực hiện xong trước 10/6/2024.

Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện tán thành chủ trương nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường trực thuộc TP Thanh Hóa; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Thanh Hóa nhằm thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của việc lấy ý kiến.

Triển khai lấy ý kiến của cử tri đảm bảo công khai, minh bạch, đúng tiến độ đề ra

Triển khai lấy ý kiến của cử tri đảm bảo công khai, minh bạch, đúng tiến độ đề ra

Người dân xác định được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; động viên cử tri tham gia tích cực, đồng thuận, thống nhất cao đối với việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch nêu rõ nội dung, hình thức và thời gian thực hiện tuyên truyền. Trong đó, yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền nội dung chính của các đề án; tên gọi và ý nghĩa tên gọi của đơn vị hành chính mới; nơi đặt trụ sở, công sở làm việc; quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc tham gia ý kiến...

Một góc TP Thanh Hóa

Một góc TP Thanh Hóa

Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, kế hoạch đưa ra phạm vi, nội dung lấy ý kiến đối với từng đơn vị; việc lập niêm yết danh sách cử tri, thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, thời gian và hình thức thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường trực thuộc TP Thanh Hóa; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn, quan trọng đã được quy định tại kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 23/5

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 23/5

Các địa phương tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tổ chức thực hiện của chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời lưu ý, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri phải bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, đúng thời gian, tiến độ đề ra.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương phải đặt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền lên hàng đầu; tập trung hướng dẫn, cung cấp kịp thời các thông tin để cử tri hiểu đúng, đầy đủ về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất, tin tưởng trong các tầng lớp Nhân dân.

Việc thông tin, tuyên truyền phải được thực hiện dưới nhiều hình thức như qua hội nghị, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, qua hệ thống thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý các đơn vị, địa phương lựa chọn hình thức tổ chức lấy kiến cử tri phù hợp với điều kiện, thực tiễn địa phương và bám sát yêu cầu đặt ra trong kế hoạch. UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thành tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trước ngày 10/6/2024. UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri gửi tỉnh trước ngày 15/6/2024.

Sau sáp nhập đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Thanh Hóa hiện hữu (30 phường, 4 xã) và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn (1 thị trấn và 13 xã) với diện tích toàn đô thị 228,3km2, dân số đô thị 574.169 người.

Đối với việc thành lập các phường, trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh, đã có tác động rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, đặc biệt là khu vực 7 xã, thị trấn gồm: Hoằng Quang, Hoằng Đại thuộc TP Thanh Hóa; thị trấn Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn thuộc huyện Đông Sơn. Tất cả các đơn vị này lối sống đô thị đã từng bước được hình thành và rõ nét.

Hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, hoàn chỉnh đã tạo điều kiện cho các xã phát triển; dân cư đang có xu hướng chuyển sang sinh sống bằng các ngành nghề kinh doanh, thương mại, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của các xã ngày càng tăng lên.

Với các vấn đề mới đặt ra, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay tại các xã không còn phù hợp, đòi hỏi phải có mô hình chính quyền đô thị để quản lý.

Ngoài ra, tại các khu vực dự kiến thành lập phường có nhiều dự án phát triển đô thị với quy mô lớn đã và đang triển khai. Do đó, việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập 7 phường: Rừng Thông, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Văn, Hoằng Quang và Hoằng Đại là cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và quy định hiện hành. Hiện trạng đánh giá khu vực dự kiến thành lập 7 phường đều đạt từ 11/13 tiêu chuẩn trở lên.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khan-truong-lay-y-kien-cu-tri-viec-sap-nhap-huyen-dong-son-vao-tp-thanh-hoa-431824.html