Khẩn trương mở thêm lối vào cao tốc
Vừa qua, TPHCM và nhiều địa phương phía Nam đã kiến nghị cần xây dựng thêm nhiều nút ra/vào để kết nối vào các tuyến đường cao tốc hiện hữu nhằm tăng hiệu quả khai thác.
Cụ thể, với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành -Dầu Giây, ngoài các nút giao đang hiện hữu, Sở Giao thông vận tải TPHCM kiến nghị được mở thêm một nút ra/vào kết nối với Long Phước (TP Thủ Đức) nhằm tăng hiệu quả khai thác. Đặc biệt, trên tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng, TPHCM mong muốn mở thêm nút ra/vào nối với đường Rừng Sác đi qua huyện đảo Cần Giờ. Tuyến cao tốc này dài gần 55km với gần một nửa đi qua địa bàn huyện Cần Giờ nên nhu cầu có thêm đường dẫn tới Cần Giờ là vô cùng cần thiết, bên cạnh 2 nút ra/vào đã được xây dựng nằm trên quốc lộ 50 và đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Bình Chánh, Nhà Bè). Nhiều ý kiến cho rằng, huyện Cần Giờ hiện chưa có đường bộ nên khi tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua, việc xây dựng đường nối vào là điều cần thiết, quan trọng, giúp ích rất nhiều trong giao thông đi lại.
Không chỉ có TPHCM, nhiều địa phương phía Nam cũng mong muốn được mở thêm các nút ra/vào đường cao tốc, nhất là khi trục cao tốc Bắc -Nam dần hình thành, kết nối rất nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước. Cụ thể, trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đi qua địa bàn tỉnh Long An cũng được đề xuất mở thêm nút ra/vào tại huyện Thủ Thừa, nằm ở khu vực trạm dừng chân Châu Thành. Hiện nay, đoạn cao tốc đi qua địa bàn Long An dài hơn 30km với 2 nút ra/vào nằm ở huyện Bến Lức và TP Tân An. Ngoài kiến nghị mở thêm nút ở Thủ Thừa, sắp tới một nút khác nằm trên địa bàn huyện Bến Lức cũng được xây dựng để kết nối cao tốc này và đường Vành đai 3 TPHCM (cũng có quy mô đường cao tốc). Được biết, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhu cầu của người dân quanh tuyến cao tốc này đã thay đổi rất nhiều và việc mở thêm nút ra/vào được cho là rất hợp lý.
Tương tự, tại tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (thuộc trục cao tốc Bắc - Nam) vừa mới đưa vào khai thác ít ngày, tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị được mở thêm nút ra/vào nối với đường Võ Văn Kiệt (TP Vĩnh Long) nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện ra/vào cao tốc từ địa phương này. Hiện trục cao tốc Bắc - Nam có đường dẫn nối tới TP Vĩnh Long nhưng khá xa trung tâm, bất tiện cho phương tiện đi lại và dễ ùn tắc, kẹt xe.
Trong khi đó, có mạng lưới đường cao tốc đi qua khá nhiều là tỉnh Bình Thuận (với tuyến cao tốc Dầu Giây -Phan Thiết, Phan Thiết-Vĩnh Hảo đang khai thác và Dầu Giây - Tân Phú khởi công trong năm nay) cũng đề xuất mở thêm nút ra/vào, đường dẫn vào cao tốc. Cụ thể là trục cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dài 200km) với 150km đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo địa phương này, hiện nút ra/vào TP Phan Thiết, trung tâm của tỉnh có lượng phương tiện rất lớn nhưng tồn tại một số bất cập với 2 nút ra chủ yếu là tại Ba Bàu và Ma Lâm. Tuy nhiên, từ 2 nút ra này dẫn tới trung tâm TP Phan Thiết đều khá xa, lên đến hàng chục cây số. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung một nút ra khác kèm theo tuyến đường dẫn thẳng vào trung tâm TP Phan Thiết để rút ngắn lộ trình cho phương tiện di chuyển trên cao tốc có nhu cầu xuống TP Phan Thiết. Điểm đặc biệt của tuyến đường này là sẽ đi qua ga đường sắt, tăng thêm kết nối cho các hạ tầng trong khu vực. Ngoài ra, Bình Thuận cũng đề xuất xây dựng thêm một nút ra/vào của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại huyện Tánh Linh.
Có thể nói, việc quy hoạch, xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến đường cao tốc sau một thời gian đã phát sinh nhiều vấn đề mới về nhu cầu đi lại. Trong đó chủ yếu là nhu cầu của người dân tăng lên khiến cho việc mở thêm nút ra/vào, đường nối liên kết với các trục cao tốc là cần thiết và quan trọng, giúp tăng tối đa hiệu quả khai thác.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khan-truong-mo-them-loi-vao-cao-toc-10274361.html