Khẩn trương nhập kế hoạch vốn đầu tư vào Tabmis: Điều kiện tiên quyết đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Thanh toán vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước dự kiến trong 4 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành hồ sơ thanh toán vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành và được nghiệm thu, Kho bạc Nhà nước đang kiến nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư; đồng thời nhập, phê duyệt kịp thời kế hoạch vốn vào TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) làm căn cứ để Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, giải ngân nhanh nguồn vốn.

4 tháng giải ngân đạt 15,3%

Góp sức nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 trong toàn hệ thống với 11 nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Đặc biệt, KBNN đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn; thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của mình để thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ”, KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống phải đẩy mạnh giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Đặc biệt, KBNN tuyệt đối nghiêm cấm cán bộ, công chức không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do.

Đồng thời, KBNN nghiêm cấm cán bộ lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân, làm chậm quá trình chi NSNN và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo báo cáo từ KBNN, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao kiểm soát chi qua KBNN là 540.242 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn được phép kéo dài từ năm trước sang). Tính đến ngày 31/3/2022, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 55.120,8 tỷ đồng, bằng 10,2% kế hoạch vốn giao. Dự kiến đến hết tháng 4/2022, toàn hệ thống KBNN kiểm soát, thanh toán trên 82.882 tỷ đồng, bằng 15,3% tổng nguồn vốn được giao.

KBNN cho biết, tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoạch đề ra là do trong những tháng đầu năm, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán vốn. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng nên chưa có khối lượng hoàn thành để nghiệm thu.

Hơn nữa, trong tháng 2 vừa qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công lần 2 (sau khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025). Theo đó, các bộ, ngành, địa phương hiện đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được bổ sung này.

Các địa phương rốt ráo vào cuộc

Giải ngân vốn đầu tư công không còn là việc riêng của bất kỳ một bộ, ngành, địa phương nào, nhất là khi tiến độ giải ngân được coi là “cứu cánh” để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo đó, tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền đã đồng hành cùng các đơn vị KBNN trong việc đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn; kịp thời nắm bắt và xử lý các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn cho các dự án, công trình.

Tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ điển hình: Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ấn định thời hạn, tiến độ và giao nhiệm vụ cho từng cấp, ngành triển khai thực hiện.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đến ngày 30/6/2022, giải ngân phải đạt ít nhất là 40% kế hoạch vốn được giao; đến ngày 31/7/2022 phải đạt ít nhất là 50%; đến ngày 31/8/2022, đạt ít nhất là 60% kế hoạch; đến ngày 30/9/2022 đạt ít nhất là 70%; đến 31/10/2022, đạt ít nhất là 80%. Đến ngày 31/12/2022, đạt 100% kế hoạch vốn được giao đối với tất cả các nguồn vốn kéo dài và được bố trí trong năm theo kế hoạch.

Đặc biệt, trong đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký văn bản kiểm điểm trách nhiệm một số chủ đầu tư giải ngân không hết kế hoạch vốn năm 2021 đã được nhập trên Tabmis. Cách làm “mạnh tay” này cho thấy, tỉnh Quảng Ngãi đang quyết tâm rất cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của cả nước phát triển.

Với mục tiêu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao khi kết thúc năm ngân sách, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị điều hành, các ban quản lý dự án, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung hoàn thành sớm nhất các thủ tục đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cam kết tỷ lệ giải ngân, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu giải ngân chi tiết từng tháng. Chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, đặc biệt chịu trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân các dự án do các đơn vị, chủ đầu tư khác thực hiện trên địa bàn…

Từ cách làm của từng địa phương có thể thấy sự rốt ráo của các cấp chính quyền để tăng tốc tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, theo báo cáo từ KBNN, tính đến ngày 14/4/2022, kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 của các bộ ngành, địa phương được phê duyệt trên TABMIS còn khá thấp khi mới đạt trên 60% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, KBNN đã kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, đẩy nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư; đồng thời nhập, phê duyệt kịp thời kế hoạch vốn vào hệ thống TABMIS theo quy định tại Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức vận hành, khai thác TABMIS, làm cơ sở để các chủ đầu tư, các đơn vị KBNN triển khai, thực hiện, kiểm soát thanh toán vốn cho các dự án đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Số vốn đầu tư được phê duyệt trên TABMIS còn thấp

Tính đến ngày 13/4/2022, kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 của các bộ ngành, địa phương được phê duyệt trên hệ thống TABMIS là trên 342.900 tỷ đồng (không bao gồm vốn chưa phân bổ của Bộ Quốc phòng, vốn cấp thẳng, cấp bù lãi suất không kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), đạt 64,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN, không bao gồm nguồn vốn được phép kéo dài (532.949,6 tỷ đồng).

Trong đó, các bộ, ngành trung ương phê duyệt 69.751,3/83.871,4 tỷ đồng, đạt 83,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.

Địa phương phê duyệt 273.148,7/449.078,2 tỷ đồng, đạt 60,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khan-truong-nhap-ke-hoach-von-dau-tu-vao-tabmis-dieu-kien-tien-quyet-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-103791.html