Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh sau lũ
Sau mưa lũ, những khu vực bị ngập có nhiều rác thải, chất thải, vi sinh vật… gây ô nhiễm môi trường. Đây là điều kiện có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm sau lũ.
Tập trung xử lý nước, vệ sinh môi trường
Huyện Chiêm Hóa là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa, toàn huyện có 1.700 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 23 nhà bị thiệt hại nặng, 5 nhà bị sạt lở.
Bác sĩ Phạm Chí Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết, ngày 11-9, đơn vị đã thành lập 1 đội và mỗi xã, thị trấn thành lập 1 đội phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt để hỗ trợ các địa phương, đơn vị khử khuẩn.
Còn tại huyện Sơn Dương, trong bối cảnh thiếu hóa chất Cloramin B, Trung tâm tạm thời phân bổ Cloramin B cho các hộ dân để làm sạch nguồn nước và nền nhà. Bác sĩ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương cho biết, Trung tâm đã yêu cầu trạm y tế các xã, thị trấn cử cán bộ xuống tổ dân phố, thôn bản để hướng dẫn người dân xử lý các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tạm thời bằng cách rắc vôi bột, các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc thuốc tẩy.
Không chỉ ở Chiêm Hóa, Sơn Dương, tại các huyện, thành phố trên địa bàn, công tác phòng chống dịch bệnh cũng đang được tăng cường. Cùng với tăng cường kiểm soát dịch bệnh sau lũ, ngành y tế cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị mưa lũ triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng tránh côn trùng đốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Bà Bùi Thị Sinh, tổ 17, phường Phan thiết (TP Tuyên Quang) nói, được cán bộ y tế phường đến tận nhà hỗ trợ, hướng dẫn phun khử khuẩn, hỗ trợ xử lý nguồn nước sinh hoạt, tôi biết cách tự xử lý nguồn nước, đồng thời thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống sôi và mắc màn khi đi ngủ nên tôi cũng yên tâm hơn”, bà Sinh chia sẻ.
Tránh dịch bệnh lây lan
Theo bác sĩ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế, ngay từ khi có thông tin về cơn bão, ngành Y tế đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đến trung tâm y tế các địa phương, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, do hậu quả mà cơn bão để lại vượt xa tầm dự báo nên hiện nay, tại các địa phương đều trong tình trạng thiếu hóa chất khử khuẩn và làm sạch nguồn nước.
Trong đợt này, Sở Y tế đã cấp tăng cường cho Trung tâm Y tế các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang mỗi địa phương 25 kg Cloramin B, riêng huyện Hàm Yên 50 kg. Trước thực trạng trên, ngày 11-9, Sở Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 220.000 kg hóa chất Cloramin B và 2.900 viên Aquatab để hỗ trợ các địa phương.
Một trong những hoạt động quan trọng sau mưa lũ là công tác dự phòng, tránh để dịch bệnh xảy ra tại vùng mưa lũ, ngập lụt. Ông Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Ở những nơi mưa lũ đi qua dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn...
Vì vậy, người dân cần chủ động bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương. Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống sôi, phòng tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa... để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khan-truong-phong-chong-dich-benh-sau-lu-198428.html