Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam
Chiều 13/5, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hà Nam về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và việc thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, đã chỉ rõ xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giao Vụ Công nghệ cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ và của tỉnh Hà Nam khẩn trương rà soát, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam và thống nhất các giải pháp xử lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, tập trung bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm của địa phương. Tỉnh tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Hà Nam cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển khoa học và công nghệ trong những ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn như: tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ; đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ… Tỉnh duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm đã được bảo hộ; tăng cường khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo UBND tỉnh Hà Nam, sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch Khu công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lập Đề án làm căn cứ trình thẩm định và quyết định thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam theo Luật Công nghệ cao.
Khu công nghệ cao Hà Nam có quy mô diện tích đề xuất khoảng 663ha, nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Lý Nhân. Nguồn vốn xây dựng dự kiến khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khoảng 6.700 tỷ đồng.
Mô hình Khu công nghệ cao Hà Nam tập trung vào công nghệ cao trong một số lĩnh vực: công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ điện tử - bán dẫn, công nghệ tự động hóa; công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới và một số lĩnh vực công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy mong muốn, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đề ra, nhất là quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ tỉnh hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam để hoàn thành nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 14 của Chính phủ.