Khẩn trương thúc đẩy dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Trong vòng 2 tháng qua, liên tiếp có những động thái khẩn trương từ Trung ương đến địa phương nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Dự án đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành nối thành phố Hồ Chí Minh với Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.

Bản đồ hướng tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành (đường màu đỏ). Nguồn: Liên danh TEDI – TEDIS (Bộ Xây dựng).

Bản đồ hướng tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành (đường màu đỏ). Nguồn: Liên danh TEDI – TEDIS (Bộ Xây dựng).

Những diễn biến nhanh chóng

Dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành bắt đầu từ ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) đến sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Chiều dài toàn tuyến khoảng 48,2km, trong đó tuyến chính 41,8 km (đoạn đi qua thành phố Hồ Chí Minh 11,7 km; qua Đồng Nai 30,8 km) và đoạn đường dẫn vào Depot (ga kỹ thuật) Cẩm Đường 4,4 km.

Đây là tuyến đường sắt đô thị do Bộ Xây dựng có trách nhiệm đầu tư; địa phương có trách nhiệm tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác. Tuyến thiết kế đường đôi, khổ đường 1.435mm, tốc độ chạy tàu 120km/h với 20 ga; vận chuyển hành khách nội - ngoại ô từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai đến Sân bay Long Thành với lưu lượng chuyên chở từ 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ.

Đồ họa tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đường màu sáng) băng qua nút giao An Phú. Nguồn: Ban Giao thông thành phố Hồ Chí Minh.

Đồ họa tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (đường màu sáng) băng qua nút giao An Phú. Nguồn: Ban Giao thông thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ Xây dựng, tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành là một trong những dự án cấp bách cần áp dụng cơ chế vượt trội để triển khai đúng tiến độ và đầu tư hiệu quả. Vì vậy, từ giữa tháng 3-2025, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ đưa tuyến đường sắt này vào quy hoạch đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh; được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án.

Đầu tháng 4-2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai báo cáo HĐND địa phương về việc giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công như đề xuất của Bộ Xây dựng.

Cuối tháng 4-2025, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được thông tin, thành phố đã có văn bản đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ và Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án này bằng ngân sách trung ương với tổng số vốn khoảng 3,4 tỷ USD (hơn 84.000 tỷ đồng); đưa dự án vào danh mục ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 188 (tháng 2-2025).

Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành Trung ương đã khoanh vùng bảo vệ khu đất rộng hơn 17ha để xây dựng ga Thủ Thiêm. Đồ họa ảnh: X.Mai.

Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành Trung ương đã khoanh vùng bảo vệ khu đất rộng hơn 17ha để xây dựng ga Thủ Thiêm. Đồ họa ảnh: X.Mai.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, ngày 29-4, tại kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về việc thống nhất chủ trương giao UBND thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Mong dự án sớm được triển khai

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do liên danh TEDI – TEDIS (Bộ Xây dựng) đề xuất, dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn (MRT); tốc độ thiết kế tối đa lên đến 120 km/h. Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là hơn 140ha; số hộ dân bị ảnh hưởng là 302.

Đồ họa ứng dụng A.I mô tả tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành. Nguồn: X.Mai

Đồ họa ứng dụng A.I mô tả tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành. Nguồn: X.Mai

Dự kiến dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ tổ chức triển khai xây dựng từ quý IV - 2026 đến năm 2029; tổ chức mua sắm thiết bị, đoàn tàu từ 2028-2029; hoàn thành, vận hành thử và khai thác thương mại vào năm 2030.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Sân bay Long Thành dự kiến chính thức vận hành vào năm 2026. Vì vậy, các dự án kết nối giao thông với sân bay cũng phải được khẩn trương thi công, bao gồm tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành. Các tuyến kết nối sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ quá tải giao thông đến và đi từ sân bay Long Thành, khai thác tối đa năng lực của sân bay.

“Hơn thế nữa, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành còn đóng góp quan trọng cho liên kết phát triển vùng, không chỉ cho riêng việc kết nối với sân bay Long Thành mà còn cho cả vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong khu vực Đông Nam Bộ”, Tiến sĩ Võ Kim Cương nhận định.

Ga đầu mối Thủ Thiêm sẽ là hợp điểm của nhiều tuyến đường sắt quan trọng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Sở Xây dựng.

Ga đầu mối Thủ Thiêm sẽ là hợp điểm của nhiều tuyến đường sắt quan trọng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Sở Xây dựng.

Theo Quyền Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, nhiều năm qua, thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương về khoanh vùng bảo vệ mặt bằng khu đất quy hoạch ga đầu mối Thủ Thiêm rộng 17ha tại thành phố Thủ Đức.

Đây là ga hành khách cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam và cũng là nhà ga của tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm; kết nối với các tuyến metro nội đô của thành phố Hồ Chí Minh. Cũng theo Sở Xây dựng, hành lang của tuyến đường sắt tốc độ cao chạy theo đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành nên không ảnh hưởng nhiều trong việc giải phóng mặt bằng. Thành phố rất mong đợi dự án này được triển khai sớm.

Theo Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, có 4 tuyến đường sắt phục vụ kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành. Đó là 3 tuyến metro số 2, số 4, số 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành. Hiện 3 tuyến metro đang được thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19-2-2025.

An Tôn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khan-truong-thuc-day-du-an-duong-sat-thu-thiem-long-thanh-702285.html