Khu thương mại tự do kết nối với sân bay, cảng biển

Đồng Nai đang gấp rút triển khai xây dựng Đề án Khu thương mại tự do (TMTD) nhằm khai thác tốt hơn những tiềm năng lợi thế của địa phương. Dự kiến đề án sẽ được hoàn thành trong tháng 5-2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một lợi thế để Đồng Nai xây dựng khu thương mại tự do. Ảnh minh họa: V.GIA

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một lợi thế để Đồng Nai xây dựng khu thương mại tự do. Ảnh minh họa: V.GIA

Khu TMTD là mô hình mới nên bên cạnh việc gấp rút xây dựng đề án thì việc nghiên cứu, tham khảo nhằm lựa chọn phương án hợp lý nhất rất quan trọng.

Các khu vực đề xuất xây dựng khu thương mại tự do

Theo Sở Tài chính, dự kiến sẽ xây dựng khu TMTD phức hợp nhằm tận dụng tối đa lợi thế của Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay) Long Thành, Cảng Phước An và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại khu TMTD sẽ phát triển các ngành, lĩnh vực khác nhau với các phân khu chức năng như: khu sản xuất; khu logistics; khu thương mại dịch vụ, tài chính; khu kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.

Phó giám đốc Sở Tài chính Phan Trung Hưng Hà nhận định, mục tiêu là phát triển các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư để khu TMTD trở thành cửa ngõ xuất, nhập khẩu của Đông Nam Á; trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu giá trị cao; trung tâm dịch vụ tài chính và dịch vụ hiện đại của thế giới. Để xây dựng khu TMTD, ngành chức năng cần thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, cải cách thủ tục hành chính.

Đồng Nai có Sân bay Long Thành và Cảng Phước An, 2 công trình hạ tầng nằm ở vị trí chiến lược, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, Sân bay Long Thành có khả năng vận tải hàng không hiện đại, có thể phục vụ các chuyến hàng hóa chất lượng cao, hàng hóa dễ hư hỏng; sân bay được tích hợp hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho vận chuyển liên vùng và xuất khẩu. Cảng Phước An có điều kiện phát triển các mô hình khu TMTD tích hợp, hướng tới trở thành trung tâm logistics và thương mại quốc tế.

Ngoài ra, Đồng Nai có hệ sinh thái công nghiệp đa dạng với 48 khu công nghiệp được quy hoạch; tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ với nhiều tuyến đường cao tốc, đường sắt, quốc lộ đi qua. Trong Quy hoạch tỉnh không quy định về khu TMTD nhưng đã quy hoạch nhiều trung tâm logistics, khu thương mại dịch vụ, khu đổi mới sáng tạo với diện tích hàng ngàn hécta khu vực phụ cận Sân bay Long Thành và Cảng Phước An. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thành lập khu TMTD.

Dựa trên các tiêu chí về định hướng phát triển, khả năng kết nối và sức lan tỏa, cũng như những lợi thế về mặt bằng, đảm bảo an ninh, sự phát triển bền vững, Đồng Nai đề xuất 6 khu vực có thể nghiên cứu để xây dựng khu TMTD trong thời gian tới gồm: Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp; Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu đổi mới sáng tạo; Khu logistics (huyện Long Thành); Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ); Khu cảng Phước An và hậu cần cảng (huyện Nhơn Trạch).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng nhận định, xây dựng khu TMTD là vấn đề mới, Đồng Nai đang trong bước đầu triển khai nên bên cạnh việc chủ động xây dựng đề án cần phải tham khảo và hợp tác với các chuyên gia, tổ chức có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mục tiêu là xây dựng được đề án hoàn chỉnh, tạo cơ sở để thúc đẩy việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, tiếp tục tham vấn và sớm hoàn thiện đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nghiên cứu lựa chọn mô hình phù hợp

Theo Sở Tài chính, trên thế giới, khu TMTD đã phát triển gần một thế kỷ, đây là mô hình được nhiều quốc gia hướng tới nhằm khai thác các lợi thế về vị trí chiến lược, quan hệ thương mại, chi phí sản xuất, đặc biệt là môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Ở nước ta, đến thời điểm này vẫn chưa hình thành khu TMTD; hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với mô hình này. Việc nghiên cứu Đề án Khu TMTD là nội dung cấp thiết, cần triển khai ngay để có cơ sở cụ thể hóa trong thực tiễn, đưa khu TMTD của Đồng Nai trở thành khu vực thí điểm đổi mới cơ chế chính sách, thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Đối với Đồng Nai, khu TMTD sẽ mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường hoạt động xuất, nhập khẩu; tạo ra hàng chục ngàn việc làm mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này góp phần đưa Đồng Nai trở thành trung tâm logistics và hàng không quốc tế, tạo cú hích để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, khu TMTD có thể gây ra những tác động tiêu cực nếu cơ chế quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ, định vị chiến lược phát triển thiếu chính xác, nên cần phải nghiên cứu kỹ.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Trần Dương Hùng, các vị trí đề xuất xây dựng khu TMTD trên địa bàn tỉnh đều có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, trong công tác lựa chọn cần đánh giá một cách cụ thể để có thể lựa chọn phương án hợp lý nhất. Theo đó, cần xác định rõ những nội dung như: mục tiêu phát triển khu TMTD; vị trí triển khai; phương án đầu tư; phương thức quản lý khi hình thành; cơ cấu ngành nghề trong khu TMTD ra sao... Những vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ dựa trên kinh nghiệm tại các khu TMTD thành công của quốc tế và có định hướng phù hợp.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/khu-thuong-mai-tu-do-ket-noi-voi-san-bay-cang-bien-7600777/