Khẩn trương tiến hành vệ sinh môi trường sau lũ

Trận lũ lớn trên diện rộng những ngày qua đã khiến trên 40.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều vùng dân cư bị ngập sâu trong nước. Lũ lớn đổ về đã cuốn theo nhiều thứ rác thải kết hợp với rác thải trong khu dân cư đã khiến môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi nước lũ rút dần, các đơn vị, sở, ngành, địa phương cùng lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã khẩn trương tiến hành vệ sinh môi trường, tăng cường kiểm soát dịch bệnh nhằm ổn định đời sống cho Nhân dân...

 Bộ đội giúp các trường học trên địa bàn thị xã Quảng Trị khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: N.B

Bộ đội giúp các trường học trên địa bàn thị xã Quảng Trị khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: N.B

Sau trận lũ kéo dài nhiều ngày sẽ dễ phát sinh ô nhiễm môi trường bởi rác thải ứ đọng, nhất là các vùng trũng của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Vì thế ngay sau khi nước rút dần, các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng quân sự, công an, đoàn thể, cán bộ, Nhân dân từng địa phương đã bắt tay vào tiến hành vệ sinh môi trường. Đặc biệt là việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu vực giếng nước, khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi của gia đình, chôn xác động vật đúng nơi quy định. Với phương châm “Nước rút đến đâu làm vệ sinh tới đó”, việc dọn vệ sinh môi trường sau lũ tại các địa phương luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp sức tích cực từ lực lượng quân sự, công an kết hợp với sức dân nên đem lại hiệu quả cao.

Trong đợt lũ vừa qua, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong có 950 hộ dân bị ngập dưới 1 m và 15 hộ ngập trên 1 m, toàn bộ trường học, trụ sở UBND bị nước lũ tràn vào. Ngay khi nước rút dần, đảng ủy, chính quyền đã huy động lực lượng quân sự, công an, trạm y tế, các đoàn thể, cán bộ, Nhân dân trên địa bàn chung tay làm dọn vệ sinh như lau chùi bàn ghế tại các trường học, trụ sở, nhà dân; dọn bùn, gom cây gãy đổ, rác thải trên các tuyến đường; khơi thông nguồn nước; xử lý nước sinh hoạt cho người dân và có phương án kiểm soát tốt các dịch bệnh có thể xảy ra. Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đại Lê Quang Nguyện cho biết: “Trước mắt chúng tôi tập trung xử lý tốt vấn đề môi trường tại các trụ sở, trường học, nghĩa trang liệt sĩ, khu dân cư, toàn bộ đường giao thông trên địa bàn và nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân. Trong một vài ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các lực lượng để xử lý lục bình ở cầu Máng, thôn Quảng Điền nhằm khơi thông dòng chảy và chỉ đạo trạm y tế xã đẩy mạnh chăm lo sức khỏe cho Nhân dân kết hợp tuyên truyền chú trọng công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh sau lũ”.

Tại các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và vùng Tây Vĩnh Linh, Gio Linh, các lực lượng quân sự, công an, trạm y tế đã tích cực giúp Nhân dân trong công tác dọn vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, khơi thông các cầu cống thoát nước, tuyên truyền Nhân dân chăm sóc sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh. Tuy địa bàn hiểm trở nhưng công tác xử lý môi trường tại các địa phương này đến nay cơ bản được triển khai tích cực, đảm bảo môi trường sống an toàn cho Nhân dân.

Sau lũ, các loại bệnh như sốt rét, bệnh đường tiêu hóa, ngoài da, đau mắt đỏ, dịch sốt xuất huyết, bệnh tay, chân, miệng... có thể bùng phát nên Sở Y tế đã chủ động các phương án chăm lo sức khỏe cho Nhân dân và kiểm soát dịch bệnh; xử lý môi trường nước sinh hoạt bằng Cloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn thông thường khác và tuyên truyền cho người dân về cách phòng bệnh, ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện từ trước khi lũ lụt xảy ra, ngành y tế đã tập trung lực lượng, có mặt tại các nơi ngập úng để cấp phát thuốc, hướng dẫn người dân xử lý môi trường theo đúng quy định.

Bác sĩ Hồ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng cho biết: “Trước, trong và sau lũ lụt, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách bảo vệ sức khỏe và phòng một số bệnh có thể xảy ra trong mùa mưa lũ. Đồng thời tiến hành cấp phát một số loại thuốc thông dụng cho Nhân dân ở vùng ngập nặng như kháng sinh, giảm đau, da liễu, bông băng y tế, cồn sát khuẩn, thuốc nhỏ mắt. Trong một vài ngày tới khi nước rút hoàn toàn sẽ tăng cường cán bộ vào khu dân cư để hướng dẫn người dân xử lý môi trường nước sinh hoạt, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc phục vụ Nhân dân”.

Nhằm chủ động nguồn thuốc, vật tư, hóa chất y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh sau mùa mưa bão, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình số 355/TTr-SYT Bộ Y tế xin hỗ trợ 2.000 kg Cloramin B, 9 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs, 30 cơ số thuốc phòng, chống bão lũ, 20 bộ bạt cứu sinh cùng một số dụng cụ thiết yếu. Sau lũ lụt, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu vệ sinh đến đó, tổ chức thu gom rác thải, xử lý môi trường, đồng thời hỗ trợ hóa chất để khử trùng nguồn nước sinh hoạt.

Tính đến 14 giờ ngày 12/10/2020, tổng giá trị thiệt hại tài sản công toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị gần 9,5 tỉ đồng, trong đó thiệt hại chủ yếu là do sụt lún móng tường rào, đổ tường rào, cây xanh bị gãy đổ, thiết bị dạy học, đồ chơi học sinh, bàn ghế, sách vở, máy vi tính, âm thanh loa máy bị ướt. Để tạo điều kiện cho học sinh đến trường, công tác dạy và học đảm bảo chất lượng sau bão lụt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh trường, lớp với phương châm “Nước rút đến đâu khắc phục nhanh, có hiệu quả đến đó”. Đồng thời, khắc phục hậu quả thiệt hại, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp để tổ chức dạy và học trở lại bình thường.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sở, ngành, đơn vị, địa phương, sự chủ động của Nhân dân, đến nay vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh đang được triển khai tích cực, từng bước giúp Nhân dân ổn định cuộc sống.

Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152553