Khẩn trương tổng kết thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon

Cần khẩn trương tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải nhà kính... Điều này có ý nghĩa hơn đối với các địa phương có rừng và đa dạng sinh học như khu vực Tây nguyên, trong đó có Gia Lai.

Đó là đề nghị củaPhó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, chiều 29.5 về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Cải cách thực chất hơn nữa thủ tục hành chính

Đóng góp ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương nhấn mạnh: Kỳ họp này, bên cạnh nội dung trong Báo cáo kinh tế - xã hội, lần đầu tiên Chính phủ có một báo cáo riêng về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính (TTHC) gửi Quốc hội theo yêu cầu Nghị quyết số 103/2023 của Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, hơn 18% quy định đã được cắt giảm, đơn giản hóa trên chỉ tiêu ít nhất 20% theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 đã tăng 12 bậc so với năm 2022.

Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra: Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ hoàn thành việc phân cấp TTHC theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn khiêm tốn, mới đạt 29,5%. Trong đó, bên cạnh những cơ quan làm rất tốt, đạt tỷ lệ 100%, có bộ mới chỉ hoàn thành 4%. Đặc biệt, có một số bộ chưa phân cấp bất cứ TTHC nào mà rất nhiều TTHC trong đó có giai đoạn thực hiện 2022 - 2023.

Quá trình triển khai xây dựng, khai thác, ứng dụng, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư vào việc thực hiện TTHC còn nhiều khó khăn, vẫn còn đó 5 “điểm nghẽn” về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực cần phải tập trung tháo gỡ; 5 tỉnh, thành, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương chưa thành lập được Trung tâm phục vụ hành chính công; việc thực hiện TTHC trong quá trình chuyển đổi số cũng còn hạn chế do cơ sở dữ liệu chưa được liên thông, đồng bộ hóa.

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2023 cho thấy, các vướng mắc về TTHC, quy định kinh doanh của doanh nghiệp ít được phản ánh trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023, gần 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC về đất đai, cao hơn rất nhiều so với mức 42,9% của năm 2022.

Với thực trạng như vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa việc cải cách TTHC (không chỉ giảm một vài giấy tờ trong hồ sơ, một vài ngày trong thời hạn thực hiện TTHC mà phải kiên quyết cắt những TTHC không cần thiết, không hợp lý); thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Báo cáo của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội; làm rõ trách nhiệm, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các bộ, ngành địa phương không thực hiện đúng việc cắt giảm TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh đã được phê duyệt.

“Việc cắt giảm TTHC, phân cấp phải trên nguyên tắc gắn với cơ chế, điều kiện bảo đảm thực hiện và tính khả thi, không cào bằng trong tất cả lĩnh vực và phải lắng nghe ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là các đối tượng chịu tác động. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện cải cách TTHC hiệu quả; xây dựng được nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội” - ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương nhấn mạnh.

Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xanh

Khu sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khu sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

..

Mang tâm tư, nguyện vọng của cử tri Gia Lai đến nghị trường, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương lưu ý: Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, Chính phủ ban hành Nghị định số 06 quy định giảm nhẹ phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

"Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, nước ta đã bán được 10,3 triệu tấn tín chỉ các-bon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết có hơn 20 địa phương đã sẵn sàng nhưng chỉ 6 địa phương được thực hiện thí điểm về việc bán tín chỉ các-bon", đại biểu nhấn mạnh.

Theo quy định, từ năm 2025 phải thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Tuy nhiên, hiện nay để chuẩn bị cho việc thành lập và vận hành thị trường này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, thậm chí, còn không ít địa phương, doanh nghiệp đang lúng túng không rõ sẽ làm thế nào, triển khai ra sao, cần chuẩn bị những gì? Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 13 ngày 2.5.2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị các cơ quan cần khẩn trương tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm thời gian qua để triển khai thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải nhà kính... Đặc biệt, điều này càng rất có ý nghĩa đối với các địa phương có rừng và đa dạng sinh học như khu vực Tây nguyên, trong đó có Gia Lai với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Về việc phân bổ vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, theo đại biểu một trong những hạn chế trong đầu tư công. Hiện nay, còn một lượng vốn ngân sách Trung ương lớn chưa được phân bổ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên phân bổ cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông đường bộ cao tốc đã có trong quy hoạch, dự kiến đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 như: cao tốc Pleiku, Gia lai – Quy Nhơn, Bình Định, không phụ thuộc vào đầu tư công hay PPP.

Bảo Phương lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khan-truong-tong-ket-thi-diem-san-giao-dich-tin-chi-cac-bon-i373294/