Khẩn trương triển khai Chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vaccine sởi

Bộ Y tế mới có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vaccine sởi.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỉ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ; rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết.

Các địa phương cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.

Trước đó, tại hội nghị hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024” và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, sau đại dịch COVID-19, rất nhiều nước trên thế giới có ca mắc sởi tăng.

Tại nước ta, từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.000 trường hợp mắc sởi. Chỉ tính riêng tại TP HCM, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến ngày 25/8 là 525 ca, với 209 ca dương tính, 164 ca không lấy mẫu, 2 ca có kết quả xét nghiệm không xác định, 23 ca chưa có kết quả và 127 ca âm tính.

Theo Bộ Y tế, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi và thậm chí tử vong, đặc biệt là trẻ nhỏ. Năm 2014, khi dịch sởi xảy ra trên qui mô lớn, nước ta đã có khoảng 140 trẻ nhỏ tử vong do sởi. Ngoài ra, bệnh sởi có thể gây ra biến chứng viêm não ở người lớn. Cũng trong vụ dịch năm 2014 có trên 500 trường hợp bị biến chứng viêm não sau mắc sởi.

Virus sởi lây lan rất nhanh và dễ dàng từ người sang người qua đường hô hấp. Người mắc sởi có thể lây bệnh cho người khác từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Vi rút sởi có thể gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em. Nếu một người mắc bệnh sởi, 90-95% những người tiếp xúc gần mà chưa có có miễn dịch chống lại bệnh sởi, có thể bị nhiễm bệnh.

Tiêm vaccine sởi là phương pháp hiệu quả, an toàn nhất để phòng bệnh

Hiện nay, phương pháp phòng bệnh an toàn và có độ hiệu quả cao là tiêm vaccine. Tiến hành tiêm chủng 2 mũi vaccine cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia. Mũi đầu tiên bắt buộc tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi. Các đối tượng khác tiến hành tiêm vaccine sởi theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc:

Tiến hành cách ly người bệnh tại nhà hoặc tại các cơ sở theo nguyên tắc. Cho bệnh nhân, người chăm sóc, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần với bệnh nhân sử dụng khẩu trang phẫu thuật.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh khi không cần thiết. Thời gian cách ly bắt đầu từ lúc nghi ngờ mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu bị phát ban.

Rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Virus sởi lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh do đó cần vệ sinh, sát trùng mũi họng thường xuyên để tránh lây nhiễm.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân nên cần giữ ấm cơ thể. Xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, nâng cao thể trạng.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khan-truong-trien-khai-chien-dich-tiem-hon-1-trieu-lieu-vaccine-soi-post523350.html