Khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp đảm bảo học sinh đến trường an toàn
Sau khi nhận được văn bản của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương trên cả nước đã khẩn trương yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường.
Trường học phải an toàn
NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: Ngay sau sự cố sập cổng trường ở Lào Cai, Bộ GD&ĐT có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đã yêu cầu các nhà trường khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học, kiểm tra cây xanh, quạt trần, tường rào quanh trường…
"Phải đảm bảo học sinh đến trường được an toàn. Trong quá trình các em học tập, nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, lớp học để đánh giá lại chất lượng công trình trong trường nhất là trong mùa mưa bão, lập kể hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp", NGƯT Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.
Nhà giáo Trần Thị Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) cũng cho biết: Trường thực hiện nghiêm Nghị định 80 về an toàn trường học của Thủ tướng Chính phủ, luôn chú trọng đặt tiêu chí an toàn cho học sinh lên trên hết.
Không chỉ đến khi sự cố trường học ở tỉnh Lào Cai và công văn Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát an toàn trường học, trước đó chúng tôi đã thường xuyên rà soát, thực hiện việc này. Tuy nhiên, sau công văn yêu cầu và chỉ đạo của Sở, trường sẽ tăng cường hơn, hệ thống cây xanh của trường đã được dựng cọc chống từ trước, nhà trường cũng tuyên truyền đến học sinh để các em cùng tham gia quan sát trần nhà, cửa sổ... nếu có bất thường báo ngay cho thầy cô chủ nhiệm.
Tại Trường THCS Hải Cường (Huyện Hải Hậu,Nam Định), thầy giáo Trần Tiến Dũng - Hiệu trường nhà trường chia sẻ: Học sinh đến trường không chỉ được học tốt mà còn phải đảm bảo được an toàn. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã chủ động các phương án phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, an toàn, tạo ý thức tốt cho HS.
Sự cố không may ở trường học tại tỉnh Lào Cai cũng nhắc nhở thầy cô và học sinh nhà trường cần cẩn thận hơn, chú tâm rà soát tốt hơn về mức độ an toàn của trang thiết bị trong trường.
Các thầy cô giáo cũng được giao thêm nhiệm vụ quan sát tường rào, quạt trần... nếu có thay đổi bất thường phải báo cáo sửa chữa, khắc phục ngay nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Rà soát an toàn điểm trường
Là tỉnh miền núi có nhiều trường học nằm ở khu vực núi cao, nhà giáo Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, bày tỏ: Không chỉ địa phương mà các tỉnh miền núi nói chung, mỗi mùa mưa lũ là mỗi mùa chúng tôi rất lo lắng về mức độ an toàn trường học. Khi xảy ra lũ cuốn khó có thể nói trước được điều gì nếu trường học ở trong dòng lũ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong đó, chú trọng rà soát các công trình xây dựng, phòng học, kiểm soát tốt, đảm bảo an toàn trong trường học.
Thầy giáo Nguyễn Đức Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Sở, Bộ... chúng tôi đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn cho học sinh. Là trường học cao tầng được xây dựng mới nên chúng tôi chú trọng tuyên truyển đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ, điện giật…
Không chỉ đảm bảo an toàn trong thời gian học sinh có mặt ở trường mà cả ở ngoài trường. Chúng tôi yêu cầu giáo viên tăng cường phối hợp gia đình học sinh tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước thường xuyên trao đổi với thầy cô giáo để nắm biết tâm sinh lý lứa tuổi của các em.
Được biết đến thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, đặc biệt là các huyện vùng cao thường xuyên gặp mưa lũ cũng đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất phòng học, các phòng chức năng, chuyên môn của đơn vị, đặc biệt là những phòng cấp 4 đã xuống cấp nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh thì đều phải dừng sử dụng báo cáo cấp trên có biện pháp xử lý.
Ở các điểm trường khu vực vùng sâu cùng xa, các nhà trường cần kiểm tra, đề xuất gia cố, sửa chữa công trình có sử dụng mái ngói, tấm lợp bằng tôn, prôximăng, trần nhựa… để đảm bảo an toàn cho học sinh khi xảy ra mưa, bão, lốc; không sử dụng phòng học, phòng làm việc không đảm bảo an toàn.