Khẩn trương triển khai phương án ứng phó mưa lũ
Trên tuyến ĐT647 đi Gia Lai bị sạt lở tại địa bàn xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Ảnh: CTV
Từ chiều 29 đến sáng 30/11, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, mực nước trên các sông dao động trên dưới mức báo động I. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tính từ 19 giờ ngày 29/11 đến 7 giờ ngày 30/11, vực tỉnh Phú Yên có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 18,2-71mm, mưa lớn nhất tại xã An Chấn (huyện Tuy An) là 71mm.
Hiện nay, mực nước trên các sông trong tỉnh đang lên, lúc 7 giờ ngày 30/11, trên sông Ba tại Củng Sơn là 28,92m (trên mức báo động I là 0,17m), sông Bàn Thạch tại Hòa Mỹ Tây là 10,87m (trên mức báo động I là 0,55m), sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 7,47m (dưới báo động I là 1,44m).
Lúc 17 giờ ngày 29/11, mực nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ là 103,6m (mực nước thiết kế là 105m), lưu lượng nước về hồ là 850m3/s, lưu lượng nước về hạ du (chạy máy) là 254m3/s; mực nước hồ thủy điện La Hiêng 2 là 193,53m (mực nước thiết kế là 196,1m), lưu lượng nước về hồ là 88m3/s, lưu lượng chạy máy và xả lũ là 87m3/s.
Lúc 6 giờ ngày 30/11, mực nước hồ thủy điện Sông Hinh là 209m (mực nước thiết kế là 209m), lưu lượng nước về hồ là 1.550m3/s, tổng lưu lượng chạy máy và xả lũ là 1.554m3/s; mực nước hồ thủy điện Krông HNăng là 254,763m (mực nước thiết kế là 255m), lưu lượng nước về hồ là 456m3/s, lưu lượng chạy máy và xả lũ là 470m3/s.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa nước thủy lợi, lúc 22 giờ 30, mực nước hồ Đồng Tròn là 35,5m/35,5m, hồ Phú Xuân là 36,5m/36,5m, hồ Suối Vực là 82,4m/88,1m. Đối với các hồ chứa thủy lợi có dung tích nhỏ, hầu hết hình thức tràn xả lũ là tràn tự do.
Tình hình ảnh hưởng do mưa lũ tính đến 7 giờ ngày 30/11, trên tuyến ĐT647 đi Gia Lai bị sạt lở tại Km28+200, khối lượng khoảng 400m3, ngành giao thông đang chỉ đạo khắc phục.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án phòng chống ngập lụt và bảo vệ sản xuất, khẩn trương triển khai thu hoạch lúa vụ mùa, các loại cây trồng cạn và các vùng nuôi trồng thủy sản gia cố, chằng néo lồng bè thả sâu sát đáy để tránh ngọt hóa.
Sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn các công trình nhất là các công trình ven sông suối, vùng nguy hiểm, các tuyến kè xung yếu hoặc đang thi công. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.