Khẳng định cam kết của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu
Việc Việt Nam nằm trong nhóm nòng cốt xây dựng Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu đã khẳng định các cam kết quốc tế của chúng ta trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, cũng như đề cao hơn vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.
Trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 29-3 đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, việc Nghị quyết được 132/193 nước thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.
ICJ là một trong các cơ quan chính của Liên hợp quốc, thực hiện hai chức năng chính là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra ý kiến tư vấn về khía cạnh pháp lý của nhiều vấn đề được quốc tế hết sức quan tâm. Theo quy định, chỉ Đại hội đồng và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có quyền yêu cầu ICJ cho ý kiến tư vấn đối với bất kỳ vấn đề pháp lý nào, trong đó có biến đổi khí hậu, còn các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ được đề nghị Tòa cho ý kiến pháp lý đối với những vấn đề thuộc phạm vi chức năng hoạt động của mình. Trong gần 80 năm hoạt động, ICJ đã nhiều lượt đưa ra ý kiến tư vấn, như về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập…
Với Nghị quyết thông qua ngày 29-3, Đại hội đồng yêu cầu ICJ làm rõ hai vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng như Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)… nhất là liên quan việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra. Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đề nghị ICJ xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai.
Thực tế, cộng đồng quốc tế đã có những cơ chế quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như UNFCCC, Hiệp định Paris nêu trên. Tuy nhiên, nhiều quy định trong các thỏa thuận này còn chưa thực sự cụ thể, dẫn tới việc các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của các quốc gia còn chưa được như mong muốn. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp như chúng ta thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nhiều mục tiêu chung của quốc tế khó có thể đạt được.
Vì vậy, nếu ý kiến tư vấn của ICJ đưa ra làm rõ hơn được trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia, cộng đồng quốc tế sẽ có thêm nhiều cơ sở để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giúp các quốc gia thích ứng tốt hơn. Với những nội hàm và ý nghĩa quan trọng đó, đây sẽ có thể là một trong những ý kiến tư vấn quan trọng nhất, sâu rộng nhất mà ICJ đưa ra.
Tham gia Nhóm nòng cốt ngay từ đầu, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết qua gần 50 cuộc họp của nhóm và 3 vòng tham vấn chính thức với toàn bộ các nước thành viên Liên hợp quốc. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc tích cực tham gia thúc đẩy sáng kiến này giúp tái khẳng định các cam kết quốc tế của Việt Nam, cũng như đề cao hơn vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.
Hành động mạnh mẽ chống biến đối khí hậu
Do vị trị địa lý đặc thù cùng đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ vấn đề nước biển dâng. Theo một số nghiên cứu, nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 20-30 triệu người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, quyết liệt nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Thể hiện là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề chống biến đổi khí hậu - một trong những thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay trên toàn cầu, Việt Nam không chỉ tham gia vào các nỗ lực chung để thông qua Nghị quyết yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn còn thể hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu bằng những hành động mạnh mẽ, thiết thực. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Vương quốc Anh vào tháng 11-2021, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Thực hiện cam kết mạnh mẽ trên, ngay sau các Hội nghị COP-26 và COP27 tháng 11-2022 tại Ai Cập, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của nước ta. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai với các mục tiêu cụ thể là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh…
Chúng ta đã đề ra chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Chiến lược sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải
carbon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đây là nền tảng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới.
Những cam kết mạnh mẽ đi đôi với hành động nhanh chóng, có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết. Theo đánh giá của Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick
Haverman, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hiện đang trở thành “hình mẫu” đi đầu về hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính.