Khẳng định đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 theo hình thức trực tuyến theo lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae In. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập và là đối tác chính thức của Diễn đàn này.
Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư, đóng vai trò kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị-xã hội để cùng thảo luận đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).
Việt Nam là một trong 7 thành viên sáng lập và là đối tác chính thức của P4G.
Đến nay, Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Columbia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khắp thế giới…
3 nội dung ưu tiên tại Phiên Đối thoại Cấp cao
Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm 2021 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Cùng với Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4/2021, Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Biến đổi khí hậu (COP 26) tổ chức vào tháng 11 tới.
Hàn Quốc rất coi trọng và đặt ưu tiên cao cho Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm nay nhằm phát huy vai trò trong việc thúc đẩy giải quyết những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, thúc đẩy hợp tác các nước phát triển và các nước đang phát triển trong tham gia hành động vì khí hậu thông qua đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đối tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 cũng là hội nghị đa phương đầu tiên về lĩnh vực môi trường do Hàn Quốc chủ trì. Hội nghị năm nay nhận được sự hưởng ứng và tham dự của đông đảo lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và doanh nghiệp.
Tới nay, lãnh đạo của hơn 40 nước và 21 tổ chức quốc tế đã khẳng định tham dự Hội nghị, trong đó có lãnh đạo 14 nước và 1 tổ chức quốc tế khẳng định tham dự Phiên Đối thoại Cấp cao gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Liên minh châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Ethiopia, Kenya, Chile, Costa Rica, Peru, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ban Tổ chức cho biết lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang cân nhắc tham dự và lãnh đạo nhiều nước khác như Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển… gửi thông điệp ghi hình.
Đại diện cấp Bộ trưởng và lãnh đạo của 21 tổ chức quốc tế tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị, gồm Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Canada, Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Singapore; lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)…
Với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, tại Phiên Đối thoại Cấp cao, lãnh đạo các nước sẽ tập trung trao đổi 3 nội dung ưu tiên, gồm phục hồi xanh từ COVID-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050, tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công-tư.
Các phiên thảo luận chuyên đề trao đổi các nội dung như mục tiêu trung hòa carbon, chiến lược xanh mới, lương thực và nông nghiệp, nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ xanh, tài chính xanh, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đa dạng sinh học, kết nối kinh doanh.
Việt Nam – thành viên sáng lập với nhiều đóng góp tích cực
Ngày 7/7/2017, Việt Nam tham gia Diễn đàn P4G với tư cách là một trong 7 nước thành viên sáng lập P4G. Tháng 9/2017, Việt Nam tham dự Lễ công bố “Diễn đàn P4G” tại New York với tư cách là đối tác chính thức. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc thay mặt Đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu.
Tháng 7/2018, Việt Nam công bố thành lập Diễn đàn Quốc gia P4G do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đồng chủ trì với sự tham gia của các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các nhóm doanh nghiệp tham gia Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Từ ngày 19-20/10/2018, Việt Nam cử đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ nhất diễn ra tại Đan Mạch với chủ đề “Lãnh đạo toàn cầu vì một tương lai bền vững”.
Với tư cách là một trong 7 nước sáng lập P4G, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh việc các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cần chia sẻ, trao đổi, đưa ra các kiến nghị về chính sách cũng như cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án tiềm năng về tăng trưởng xanh.
Cùng với việc tham gia Diễn đàn P4G, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4/2021, trong đó, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”.
Trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, sự tham gia của Việt Nam tại Diễn đàn P4G nói chung và Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 2 nói riêng, tiếp tục khẳng định đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong những vấn đề ưu tiên của Việt Nam: Phát triển bền vững, đầu tư, thương mại, môi trường, năng lượng tái tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Những định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị và đóng góp tích cực của Việt Nam sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng hiệu quả và thực chất hơn; đồng thời thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc và quốc tế tới Việt Nam…
Trong những tháng đầu năm 2021, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tổng thống Moon Jae In có điện mừng chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Nhân dịp ta bầu Ban lãnh đạo mới, Tổng thống Moon Jae In gửi điện mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chung Sye-kyun gửi điện mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-Seug gửi điện mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Ngoại giao Chung Eui Yong gửi điện mừng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng tân Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong và thư cảm ơn nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Wha (2/2021).
Ngày 28/4/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong, hai bên nhất trí duy trì, thúc đẩy các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai nước.
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về ODA, thứ 2 về thương mại. Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc.
Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ 2 của Hàn Quốc. Hiện ta có hơn 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% và khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người, tăng 21,9% so với năm 2018.
Hai nước đã ký Hiệp định văn hóa (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10/2008) cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Năm 2016, Bộ Giáo dục đào tạo và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học. Đầu năm 2021, tiếng Hàn Quốc được đưa vào danh sách ngoại ngữ 1, được áp dụng chương trình giáo dục hệ 10 năm tại Việt Nam.
Hiện có khoảng 185.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 160 nghìn kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.