Khẳng định dòng thông tin chủ lưu

Chỉ còn đúng 2 năm nữa, những người làm báo sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Khánh Huy

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Khánh Huy

Tại nhiều cuộc gặp gỡ với báo chí, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành đều nhận định, những người làm báo Việt Nam đã không ngừng nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức và nội dung các ấn phẩm.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các nhà báo đã sử dụng tâm - tài, bút sắc, lòng trong, không quản ngại khó khăn, dấn thân nơi tuyến đầu, những điểm nóng để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đoàn kết. Báo chí đã khẳng định vị thế và trọng trách xã hội của lực lượng trên tuyến đầu, trở thành cầu nối quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nghề làm báo đòi hỏi phải thực sự công phu

Tại cuộc gặp mặt được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Nói đến báo chí cách mạng Việt Nam thì phải có nhà báo cách mạng Việt Nam. Nhà báo cách mạng Việt Nam thì phải có tinh thần cách mạng, tinh thần Việt Nam được hun đúc từ hàng ngàn năm qua.

Trong bất cứ tình huống nào, nhà báo cách mạng Việt Nam cũng cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không dao động, luôn kiên định để đóng góp vào công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động và lãnh đạo. Đồng thời, phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân".

Chủ tịch Quốc hội mong báo chí tiếp tục góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận xã hội; kịp thời tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, biểu dương, tôn vinh và lan tỏa, nhân rộng những nhân tố mới và những điển hình tiên tiến. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

“Không phải cứ giật tít, câu view là sẽ có nhiều người đọc, người xem đâu. Càng ngày, chân giá trị của các tác phẩm trung thực, có chiều sâu càng lớn. Sự sáng tạo, tìm tòi các cách thể hiện mới trong hoạt động báo chí rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng thông tin. Nghề làm báo đòi hỏi phải thực sự công phu” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Riêng về vai trò của báo chí trong các hoạt động của các cơ quan dân cử, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, báo chí tiếp tục bám sát, phản ánh đầy đủ, kịp thời thông tin về các hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; chuyển tải kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân tới Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, xây dựng hình ảnh Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Khơi nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo

Nhấn mạnh báo chí đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, tại lễ bế mạc Hội báo toàn quốc 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến độc giả những tin tức mang hơi thở cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực...

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, sự đồng hành, sát cánh của báo chí đã cổ vũ, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và vượt qua khó khăn, góp phần quan trọng trong thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí, bản lĩnh, sự tìm tòi, sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.

Trước dấu mốc chỉ còn hơn 2 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiến tạo không gian sáng tạo, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.

Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Phó Thủ tướng mong muốn, đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả.

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, quan trọng nhất phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.

“Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số” - Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: Chính xác - đại chúng - nhân văn - khách quan. Đồng thời, tạo lập môi trường để các cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo phát huy sức sáng tạo; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến.

Đặc biệt, việc các bộ, ngành gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí cũng góp phần để báo chí tác nghiệp đúng chuyên môn và nghề nghiệp.

Vũ Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khang-dinh-dong-thong-tin-chu-luu-722775.html