Khẳng định giá trị của vải thiều Thanh Hà
Nếu không có cách để bảo vệ thương hiệu vải thiều Thanh Hà trong thời đại thế giới 'phẳng' và 'mở' thì niềm tự hào là quê hương vải thiều sẽ chỉ còn là niềm an ủi trong nay mai.
Hải Dương vừa kết thúc vụ vải thành công với nhiều dấu ấn đậm nét. Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quả vải của tỉnh vẫn tiêu thụ thuận lợi, đặc biệt là tạo ra sức hút lớn ở thị trường khó tính và ghi dấu trên các trang thương mại điện tử. Mặc dù vậy, vụ vải này vẫn có vết gợn bởi những tranh luận, bàn cãi về tên gọi, nguồn gốc. Đây là nút thắt cần phải tháo gỡ ngay nếu không sẽ gây tổn thất lớn không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới giá trị tinh thần của loại đặc sản này.
Người dân Hải Dương nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng luôn tự hào là quê hương của vải thiều. Trải qua gần 200 năm, cây vải tổ được trồng ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn vẫn sinh sôi, cho trái ngọt. Những năm 90 của thế kỷ trước, cây vải được ví như "cây vàng" khi cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại cuộc sống sung túc cho nông dân nơi đây. Vải thiều Thanh Hà nức tiếng từ thời đó, ai đã ăn qua thì không thể quên mùi vị. Vải thiều trở thành cây hàng hóa, được nhân giống trồng ở nhiều nơi, song xét về độ thơm ngon thì không nơi đâu sánh bằng vải được trồng ở huyện Thanh Hà. Đất phù sa màu mỡ cùng với trình độ thâm canh cao của nông dân nơi đây đã làm ra quả vải có hương vị đặc trưng riêng.
Nhưng cũng vì phát triển nhanh với diện tích lớn mà vải thiều dần thất thế ở chính nơi nguồn cội. Người dân ồ ạt chặt phá, bỏ rơi cây vải để chuyển sang cây trồng khác. Vài năm gần đây, vải thiều Thanh Hà dần tìm lại vị thế nhưng khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại ở nơi khác có phần lép vế.
Cây vải có nhiều giống song vải thiều, nhất là vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà có chất lượng nổi trội hơn cả. Vỏ mỏng màu đỏ tươi, cùi dày màu trắng trong, vị thanh mát, không chua, không chát, mùi thơm nhẹ. Những đặc tính này đã được xác nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà. Ngoài yếu tố địa lý, quả vải phải đáp ứng các điều kiện về mẫu mã, chất lượng như trên mới được công nhận là vải thiều Thanh Hà. Điểm yếu duy nhất của vải thiều là thời vụ muộn hơn so với giống khác. Có lẽ vì vậy mà vải thiều Thanh Hà bị đánh đồng. Các giống vải khác như u trứng, u hồng, tàu lai... mượn "tiếng" của vải thiều Thanh Hà để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Còn vải thiều vì thu hoạch sau, giá bán thấp hơn nên cũng chấp nhận dùng chung thương hiệu. Ngay đến chính quyền, cơ quan chức năng không có sự rạch ròi về tên gọi thì việc người tiêu dùng nhầm lẫn là khó tránh khỏi.
Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được cấp chỉ dẫn địa lý, mức bảo hộ cao nhất với giá trị sử dụng vô thời hạn. Đây cũng là nông sản duy nhất của tỉnh được bảo hộ dưới hình thức này tính đến hiện tại. Thế nhưng đến nay tên gọi và sản phẩm vải thiều vẫn còn mập mờ. Điều này cũng dễ lý giải vì sản lượng, hiệu quả kinh tế thực tế của vải thiều so với các giống vải sớm khác thấp hơn hẳn. Trước giờ, nguyên nhân chỉ ra vẫn do thời vụ muộn, nguồn cung vải từ các nơi lớn nên vải thiều không được giá. Tuy nhiên nếu đánh giá ở góc độ thị hiếu tiêu dùng thì chính việc không khai thác, phát huy bảo hộ sở hữu trí tuệ mới làm cho giá trị của vải thiều tuột dốc.
Tâm lý khách hàng luôn muốn thưởng thức vải thiều Thanh Hà chính gốc nhưng sự nhập nhèm về tên gọi khiến họ không thể nhận biết được đâu là sản phẩm thật. Điều này đã khiến cho đặc sản vải thiều Thanh Hà bị đánh đồng và mất dần vị thế. Nếu không xây dựng chuỗi thông tin, hình ảnh đặc trưng để bảo vệ thương hiệu vải thiều Thanh Hà trong thời đại thế giới "phẳng" và "mở" thì niềm tự hào là quê hương vải thiều sẽ chỉ còn là niềm an ủi trong nay mai.
Hải Dương hiện có khoảng 9.500 ha, trong đó có hơn 6.000ha vải thiều tập trung ở huyện Thanh Hà và TP Chí Linh, còn lại là các giống vải sớm. Chưa tính đến bất lợi trong cạnh tranh sản phẩm cùng loại với các tỉnh, thành phố khác, ngay trên cùng địa bàn tỉnh cũng đã có những khác biệt về chủng loại, chất lượng vải. Mặc dù vậy, nếu tính toán hướng đi phù hợp thì ắt hẳn những vướng mắc về tên gọi sẽ không còn là trở ngại. Thậm chí, tỉnh sẽ xây dựng được thương hiệu lồng ghép đặc sản của đặc sản. Vải quả là nông sản đặc sản của Hải Dương, còn vải thiều là đặc sản tiêu biểu của huyện Thanh Hà. Vụ vải vừa qua thành công ngoài mong đợi là minh chứng cho sự quyết liệt của các cấp, ngành trong việc tìm đầu ra cho quả vải. Đây cũng là cơ sở để tin tưởng rằng giá trị của vải thiều Thanh Hà sẽ sớm được đặt ở vị trí xứng đáng hơn.