Khẳng định giá trị gạo Việt

Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế khi có chỗ đứng riêng và đang chuyển dần sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, đáp ứng thị trường khó tính.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,18 triệu tấn năm 2024, doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I/2025 năm nay đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.

Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, khi chiếm tới 60-70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10-15% còn lại là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

“Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%”, ông Đỗ Hà Nam thông tin.

Để đạt được mục tiêu trên, nước ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định: “Việt Nam khá nhanh trong chiếm lĩnh thị trường gạo, doanh nghiệp Việt Nam cũng nhanh nhạy tìm kiếm thị trường, tìm phân khúc có lợi nhất. Bộ Nông nghiêp và Môi trường luôn tạo ra môi trường tốt nhất cho kinh doanh, đồng thời hỗ trợ về chính sách công như: bảo quản, giống, chất lượng, đàm phán mở cửa thị trường”.

Trong khi đó, ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực A An cho hay: Thị trường Nhật Bản là thị trường mà tập đoàn vào bằng chính thương hiệu A An. Đó là chiến lược rất nhiều năm về trước, tập đoàn buộc phải chủ động được vùng nguyên liệu vì thị trường khó tính này yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, trong đó có đáp ứng được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài Nhật Bản, Tập đoàn Tân Long cũng đang phát triển thêm thị trường châu Âu, mục tiêu năm 2025 đang hướng đến 50.000 tấn đi các thị trường này.

“Nếu sản lượng này so với 8 triệu tấn xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam thì rất nhỏ, nhưng nếu không dịch chuyển dần vào các thị trường này thì sẽ rất khó khăn bởi Việt Nam đang có các thị trường truyền thống nhưng lại biến động nhiều, bắt buộc phải chuyển đổi và chuyển đổi từ nền nông nghiệp sản lượng sang nền nông nghiệp giá trị thì mới bền vững”, ông Linh chia sẻ.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/khang-dinh-gia-tri-gao-viet-i764516/