Khẳng định giá trị thương hiệu từ Chương trình OCOP

Nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương trưng bày tại các cửa hàng, siêu thị được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Ảnh: THÁI NGỌC

Sau gần 5 năm thực hiện, từ một cái tên xa lạ - OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở nên gần gũi, quen thuộc đối với người sản xuất và người tiêu dùng. Điều này cho thấy, OCOP đã trở thành hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, khẳng định vị thế, thương hiệu nông sản đặc trưng ở mỗi địa phương.

Tạo dựng tên tuổi, mở rộng thị trường

Thực tế ghi nhận, khi sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt sao OCOP, các chủ thể OCOP nhận đơn đặt hàng từ cửa hàng, siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh tăng từ 10-50%. Qua đó mở ra hướng phát triển cho các vùng sản xuất nguyên liệu cũng như tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường cho các chủ thể OCOP.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) Nguyễn Thanh Minh, việc xây dựng thương hiệu OCOP giúp tăng giá trị và khả năng tiêu thụ nông sản, bởi đó chính là phương tiện để mở rộng giao thương, tạo niềm tin với khách hàng trên phạm vi rộng. Hiện HTX có 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, tạo dựng được tên tuổi trên thị trường với số lượng nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ mở rộng trên toàn quốc.

“Chương trình OCOP thực sự là cơ hội tốt để quảng bá nông sản địa phương. Kể từ khi các sản phẩm bột hạt sen, trà tim sen và hạt sen sấy khô của HTX được chứng nhận OCOP, việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị thuận lợi hơn trước với số lượng khách hàng ngày một tăng”, ông Minh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, Chủ cơ sở sản xuất nem chả Thành Phát ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất các loại nem chả tiếp nối nghề ông bà để lại. Ngày trước, các sản phẩm chủ yếu làm thủ công. Hiện tại, nhiều công đoạn sản xuất sử dụng máy móc hiện đại. Năm 2022, khi biết đến Chương trình OCOP, tôi đưa 10 sản phẩm (nem chả quế, chả lụa chua, da tai, chả lụa, chả da ớt xiêm, chả giò sống, chả thủ, chả mực, nem nướng, chả giò may) tham gia và đạt chứng nhận 3 sao. Từ đó, sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 30%”.

Nâng cao giá trị từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và truyền thống văn hóa để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu của địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu đặc thù của tỉnh như: Nước mắm Phú Yên, cá ngừ đại dương Phú Yên, muối Tuyết Diêm, khóm Đồng Din, tiêu Sơn Thành, bò một nắng Sơn Hòa…

“Từ những nông sản đặc trưng của mỗi làng, xã, các chủ thể đã phát huy thế mạnh sẵn có để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 118 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 109 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cán bộ, người dân, đặc biệt là các HTX có ý thức trong việc đăng ký xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX những phần việc còn yếu để có thêm nhiều sản phẩm OCOP”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, thông tin: “Chúng tôi luôn xác định, sản phẩm trọng tâm phải dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, từ đó vạch ra hướng đi cụ thể để phát triển thành sản phẩm OCOP. Tây Hòa hiện có 23 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Qua kiểm tra, khảo sát thực tế, hiện nay các chủ thể OCOP đều hoạt động ổn định, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường, nhờ vậy doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng. Đi đôi phát triển sản xuất, các chủ thể cũng chú trọng cải tiến mẫu mã; thực hiện các tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chế biến”.

Để Chương trình OCOP đảm bảo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, cho hay: Hội đồng sẽ thực hiện việc ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện của địa phương; lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tập trung phát triển, nâng chất các sản phẩm đã được đánh giá; thực hiện xúc tiến thương mại điện tử để bán sản phẩm OCOP.

THÁI NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/301035/khang-dinh-gia-tri-thuong-hieu-tu-chuong-trinh-ocop.html