Khẳng định tính ưu việt của tín dụng không lợi nhuận

Trong 20 năm qua, cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đã được triển khai đồng bộ, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân. Những thành tựu đó có vai trò quan trọng của tín dụng chính sách với phương thức 'Ủy thác từng phần - Giải ngân tại xã'. Ông Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với Báo Lâm Đồng về kết quả triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Ông Đặng Trí Dũng

Ông Đặng Trí Dũng

PV: Thưa ông, tuy thành lập muộn hơn các ngân hàng khác, nhưng 20 năm qua, NHCSXH với đặc thù hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, gắn liền với thôn - xóm, gần gũi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương như thế nào?

Ông Đặng Trí Dũng: Tại Lâm Đồng, chính sách phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy thành lập muộn hơn các ngân hàng khác, nhưng hoạt động của NHCSXH đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, đem lại sự ổn định cho nông thôn và nông dân Lâm Đồng; đồng thời có tác động tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, quy mô tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, mô hình tổ chức của NHCSXH từng bước được hoàn thiện, phương thức quản lý phù hợp với từng giai đoạn, từng yêu cầu nhiệm vụ đã thể hiện rõ nét mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận mà vì an sinh xã hội. Cùng với cách thức phục vụ rất đặc thù, mang dịch vụ công đến tận cơ sở thông qua giao dịch tại Điểm giao dịch xã, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tải nguồn vốn trên 13.200 tỷ đồng của 16 chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh được vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi này đã giúp trên 85 nghìn hộ thoát nghèo; gần 49 nghìn hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho trên 116 nghìn lao động; giúp cho gần 70 nghìn học sinh - sinh viên trang trải chi phí học tập; hơn 117 nghìn hộ được xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh và xây dựng gần 6,5 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo. Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 22,72% xuống còn 6,31% vào cuối năm 2010, giai đoạn 2011-2015 từ 12,6% năm 2010 xuống còn 1,75% cuối năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 0,9% cuối năm 2021; giúp 7 huyện và 107 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của kênh tín dụng chính sách thông qua NHCSXH. Đặc biệt, thông qua chính sách tín dụng có vay, có trả đã giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, vươn lên thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng. Đây thật sự là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất, không vì mục tiêu lợi nhuận, đáp ứng toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH đã trở thành một trong những công cụ cần thiết và quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Dương Quyết Thắng (bên phải) - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam thừa lệnh Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH tỉnh Lâm Đồng

Ông Dương Quyết Thắng (bên phải) - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam thừa lệnh Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH tỉnh Lâm Đồng

PV: Như vậy, tín dụng chính sách trong giai đoạn tới sẽ vất vả hơn, khi nhu cầu vay vốn tăng lên để chống tái nghèo và duy trì các mục tiêu tăng trưởng khác?

Ông Đặng Trí Dũng: Trong những năm tới, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ cao, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục xem công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới là ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu đến năm 2025, Lâm Đồng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, tỉnh sẽ phải phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều ít nhất từ 1-1,5%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%... đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó kênh tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH là một trong những công cụ quan trọng không chỉ trong những năm tới mà là cả một quá trình lâu dài nhằm thực hiện giảm nghèo thực chất, bền vững.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng trưởng tín dụng, trong đó tập trung ưu tiên các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các thôn nghèo, các xã xây dựng nông thôn mới và chương trình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Đồng thời, cần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ gắn với chuỗi giá trị và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể xã hội về hỗ trợ nguồn lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình và mạng lưới hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, gắn việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với các chính sách an sinh xã hội khác để tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo...

PV: Xin cảm ơn ông và kính chúc hoạt động tín dụng chính sách thông qua NHCSXH có những thành tựu mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo!

LÊ HOA (thực hiện)

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202208/ong-dang-tri-dung-uy-vien-ban-thuong-vu-tinh-uy-pho-chu-tich-ubnd-tinh-truong-ban-dai-dien-hdqt-nhcsxh-tinh-lam-dong-khang-dinh-tinh-uu-viet-cua-tin-dung-khong-loi-nhuan-3131122/