Khẳng định vai trò của tỉnh Hưng Yên trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị
Phát huy thế mạnh của vùng đất Phố Hiến có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hưng Yên có nhiều điều kiện để nắm bắt những cơ hội phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng. Các cấp ủy, chính quyền cùng người dân trong tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 54 - NQ/TW ngày 14.9.2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 54). Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54 đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực, nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Trên cơ sở thực tế của địa phương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, quyết định nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nhất là quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có lợi thế gắn liền với quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
Một góc thành phố Hưng Yên
Việc xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đều gắn với mục tiêu phát triển chung của vùng. Trong đó, nổi bật là thành tựu về phát triển kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2005 – 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 9,28%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của khu vực nông nghiệp và thủy sản. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2005 – 2021 liên tục tăng và duy trì ở mức cao, trung bình tăng 15%/năm. Đơn cử như năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh vẫn đạt trên 36,4 nghìn tỷ đồng, gấp 7 lần so với năm 2005. Đặc biệt nguồn vốn ngoài nhà nước luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, Hưng Yên được Trung ương giao tự cân đối thu, chi và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Trong giai đoạn này, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đều vượt dự toán được giao. Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh, có thể nhận thấy những thay đổi bứt phá, đưa Hưng Yên trở thành mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu như năm 2005, tỷ trọng công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm trên 38% thì năm 2021 đã tăng lên 63,67%. Đến năm 2021, tỉnh đã có 23 đô thị; kết cấu hạ tầng toàn tỉnh được đầu tư đồng bộ và hiện đại, giao thông rộng mở kết nối tỉnh với các tỉnh, thành phố lớn trong vùng.Tại huyện Khoái Châu, thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Nếu như năm 2005, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện chỉ chiếm 21,6% trong cơ cấu kinh tế, thì đến năm 2021 đã chiếm 47,32%. Giá trị sản xuất trên địa bàn huyện bình quân tăng 11,63%; thu ngân sách bình quân hàng năm vượt 13,5%. Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, Bí thư Huyện ủy Khoái Châu cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch; huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Trong đó, tập trung xây dựng đô thị Bô Thời - Dân Tiến và khu vực trung tâm huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu xây dựng huyện Khoái Châu trở thành thị xã...Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế của tỉnh như: Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ; đa số các doanh nghiệp, dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; chi ngân sách nhà nước cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo đảm quốc phòng - an ninh còn hạn chế so với nhu cầu; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Nắm bắt những tiềm năng, lợi thế, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt, kết cấu hạ tầng hiện đại. Tỉnh đặt ra chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội như: Tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 8%/năm giai đoạn 2021-2025; đạt 8,5% giai đoạn 2026-2030; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 250 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 450 nghìn tỷ đồng; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%...Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 54, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 15). Để thực hiện tốt các nghị quyết trên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ; tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 15; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội; cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 15 và tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đạt các mục tiêu Nghị quyết số 54; triển khai thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Hưng Yên, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, thời gian tới, tỉnh khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm nội dung quy hoạch bắt kịp với tình hình mới và tư duy mới về quy hoạch; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp; giải phóng mặt bằng nhanh để thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh trật tự… Đưa Hưng Yên trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.