Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn

Với phương châm hoạt động hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để khẳng định vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Đa dạng giải pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, đông công nhân lao động với khoảng 250 nghìn doanh nghiệp và trên 2,7 triệu lao động. Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phối hợp với chính quyền, các cơ quan chuyên môn đồng cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động. Hằng năm, toàn Thành phố có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 74% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động; trên 82% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đối thoại với công nhân lao động.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đối thoại với công nhân lao động.

Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo được tính dân chủ, đúng trình tự, nội dung, thành phần theo quy định. Chất lượng Hội nghị ngày càng được nâng lên, tập trung vào các nội dung như: Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của đoàn viên, người lao động... Qua đó đã góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động được kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định; đồng thời khẳng định được vai trò đại diện, chức năng tham gia, kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động hằng năm, quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp được đảm bảo tốt hơn. Đơn cử như tại Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi-Hanel, bà Huỳnh Ngọc Lan - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, hằng năm, Công đoàn đều phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động. Tại Hội nghị, người lao động trong Công ty được nêu ý kiến, kiến nghị về các chế độ chính sách, môi trường làm việc, bữa ăn ca, phụ cấp… và được lãnh đạo doanh nghiệp ghi nhận, giải đáp kịp thời, mang lại sự hài lòng cho người lao động. Nhiều ý kiến mà Công đoàn, người lao động đưa ra đã được người sử dụng lao động chấp thuận, ví dụ như chế độ phụ cấp trách nhiệm, thưởng chuyên cần 200.000 đồng; phụ cấp nhà ở 250.000 đồng; trợ cấp tuân thủ an toàn 50.000 đồng; trợ cấp nữ giới, trợ cấp con nhỏ dưới 36 tháng 100.000 đồng; xây dựng thư viện sách đặt tại nhà máy; bổ sung sữa chua, hoa quả vào bữa ăn ca…

Hằng năm, toàn Thành phố có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 74% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động; trên 82% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo được tính dân chủ, đúng trình tự, nội dung, thành phần theo quy định.

Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã duy trì và thực hiện thường xuyên, định kỳ các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc, đối thoại cấp trên cơ sở và đối thoại cấp Thành phố nhằm lắng nghe, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Hằng năm, LĐLĐ Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động. Qua đối thoại, lãnh đạo chính quyền Thành phố đã tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền quận, huyện, thị xã xem xét giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động.

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố đã chủ động ký kết chương trình phối hợp công tác với UBND Thành phố và các sở, ban, ngành của Thành phố, trong đó có nội dung phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, Công đoàn, an toàn vệ sinh lao động. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Công đoàn đã kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động. Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng chủ động, tích cực tham gia với cơ quan chức năng xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; kiến nghị với Nhà nước đảm bảo chế độ chính sách cao hơn cho người lao động, đồng thời xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các dự thảo luật, pháp lệnh, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành có liên quan đến người lao động.

Xây dựng “bộ luật con” tại doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi cao hơn quy định của pháp luật và được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ tốt hơn, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở đại diện cho tập thể người lao động để thương lượng, ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động, coi đây là “bộ luật con” tại doanh nghiệp; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động hằng năm, quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp được đảm bảo tốt hơn.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị người lao động hằng năm, quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp được đảm bảo tốt hơn.

Xác định rõ, để có những bản TƯLĐTT chất lượng và nâng dần số lượng các bản TƯLĐTT, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT có năng lực. Chính vì thế, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, bản lĩnh, quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT và đối thoại tại nơi làm việc cho đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng, phát hành “Bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp” gồm các biểu mẫu, hướng dẫn theo quy trình rút gọn từ 7 bước xuống còn 3 bước dễ hiểu, dễ thực hiện, kèm theo đó là ngân hàng các nội dung đề xuất thương lượng, để các Công đoàn cơ sở tham khảo khi đề xuất với chủ sử dụng lao động. LĐLĐ Thành phố cũng đã thành lập “Tổ tư vấn, hỗ trợ thương lượng ký kết TƯLĐTT” để hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở về quy trình, cách thức tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp.

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ thành phố Hà Nội, các Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Tiêu biểu như tại Công ty HHKT Chin lan shing Rubber Hà Tây, bà Nguyễn Thị Bích Hòa - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, Ban Chấp hành Công đoàn đã thương lượng, ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động, trong đó có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như: Tăng mức tiền ăn ca cho người lao động từ 15.000 đồng/suất lên 25.000 đồng/suất; tăng thêm tiền phụ cấp môi trường trong 3 tháng 5, 6, 7 với số tiền 1.000.000 đồng/người cho người lao động làm việc tại bộ phận Tạo hình do môi trường làm việc tại bộ phận này rất nóng nực…

Ở cấp trên cơ sở, Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội đã phối hợp với Hội Dệt May thành phố Hà Nội thương lượng, ký kết thành công TƯLĐTT ngành Dệt May Hà Nội. Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn, quá trình thương lượng, đối thoại và xây dựng TƯLĐTT ngành được thực hiện theo các bước: Thành lập Ban soạn thảo; 4 bước đối thoại, thương lượng, hội thảo và Hội nghị hiệp thương. Các nội dung trong TƯLĐTT ngành được các bên thương lượng đánh giá là phù hợp thực tế chung trong toàn ngành và đơn vị cơ sở. Kết thúc quá trình thương lượng, đối thoại, bản TƯLĐTT đã được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Hội Dệt May Thành phố, Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội ký kết.

Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chất lượng bữa ăn ca của người lao động ngày càng được cải thiện.

Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chất lượng bữa ăn ca của người lao động ngày càng được cải thiện.

TƯLĐTT ngành Dệt May Hà Nội có nhiều điều, khoản có lợi hơn cho người lao động. Cụ thể, đối với công nhân đã qua đào tạo và làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, đảm bảo đủ thời gian làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động, chất lượng sản phẩm hoặc công việc đã thỏa thuận thì người sử dụng lao động đảm bảo mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng nhân hệ số 1.15. Về tiền thưởng, hằng năm căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh người sử dụng lao động có trách nhiệm thưởng cho người lao động theo các hình thức như: Tháng lương thứ 13; thưởng vào dịp lễ, Tết; thưởng cho NLĐ có nhiều thành tích đóng góp cho doanh nghiệp... “Sau khi ký kết, hiện TƯLĐTT đang được triển khai hiệu quả tại các doanh nghiệp và nhiều đơn vị cũng đã căn cứ TƯLĐTT ngành để xây dựng TƯLĐTT doanh nghiệp với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động”, ông Hoàng Thanh Sơn chia sẻ.

Có thể khẳng định, thông qua việc triển khai đa dạng các giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp, các cấp Công đoàn Thủ đô đã khẳng định vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khang-dinh-vai-tro-cua-to-chuc-cong-doan-165357-165357.html