Khẳng định vai trò hạt nhân kết nối vùng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu quan trọng: 'Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030'. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên đã và đang khẳng định vai trò là đầu tàu, hạt nhân kết nối, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng.
Đầy đủ yếu tố trở thành “cực tăng trưởng”
Là một trong những trung tâm của vùng Việt Bắc và nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có vị trí địa lý rất quan trọng. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tỉnh có đẩy đủ 3 yếu tố quyết định để trở thành “cực tăng trưởng” quan trọng của vùng. Đó là “tọa độ” địa lý được chọn; sẵn có điều kiện cơ bản về nguồn nhân lực, giao thông kết nối, hạ tầng đô thị,… để phát huy các lợi thế “tĩnh”; chính sách khuyến khích, cơ chế hỗ trợ vượt trội, đủ tạo sức hấp dẫn đầu tư.
Trước hết, tọa độ địa lý xác lập vị thế địa kinh tế của Thái Nguyên với vùng Thủ đô, rộng hơn là vùng Bắc bộ và cả nước. Tỉnh có thể kết nối với sân bay bằng đường cao tốc - lợi thế đặc biệt. Vị trí đặc biệt cũng cho phép tỉnh đóng vai trò “hội tụ và lan tỏa phát triển vùng”, trở thành cầu nối liên kết các tỉnh Việt Bắc với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong vùng.
Xét trong mối liên hệ vùng, Thái Nguyên nằm trong “vành đai” hay “hành lang” công nghiệp Bắc bộ có tiềm năng phát triển mạnh. Các tỉnh, thành phố lân cận là Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang đều đang hoặc sẽ phát triển công nghiệp mạnh mẽ.
Hành lang này sẽ hình thành các mối liên kết công nghiệp, từng bước phát triển và định hình chuỗi sản xuất - cung ứng mà Thái Nguyên chắc chắn sẽ là một đầu mối quan trọng.
Ngoài ra, các yếu tố về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là mỏ đa kim Núi Pháo với nhiều kim loại quý; nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao; điều kiện giao thông kết nối được đầu tư mạnh mẽ; quỹ đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp và đô thị còn dự địa rất lớn… đều là lợi thế để thu hút đầu tư, thúc đẩy vai trò là “cực tăng trưởng” của vùng.
Tạo động lực phát triển lan tỏa
Từng được biết đến là “Thủ phủ công nghiệp gang thép” của miền Bắc, Thái Nguyên đã chuyển hướng mạnh mẽ và cấu trúc lại sự phát triển. Hiện, tỉnh trở thành một trong những trung tâm của cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo với vai trò động lực phát triển bậc nhất là Tổ hợp công nghệ cao của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và thực hiện quyết liệt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư đã giúp tỉnh có sự phát triển nhanh chóng; nhiều năm liên tục trong nhóm các tỉnh giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đứng đầu cả nước; hiện đã tự cân đối ngân sách và điều tiết một phần về Trung ương.
Thái Nguyên đang là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn và hiệu quả nhất, tổng cộng có hơn 210 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 11 tỷ USD.
Khẳng định vai trò hạt nhân của vùng, Thái Nguyên đã sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong đó, tỉnh hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh. Đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung làm mới động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư và xuất khẩu; thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, tỉnh nhanh chuyển đổi một cách sâu rộng, toàn diện, nhất là xây dựng hạ tầng số hiện đại, nền kinh tế số rộng khắp, nhân lực số chất lượng cao; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng...
Việc UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025 hay Kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 là dẫn chứng cụ thể, hiện thực hóa mục tiêu tạo động lực phát triển lan tỏa.
Các chuyên gia nhận định, Thái Nguyên đang trong xu thế hình thành “cực tăng trưởng” mới rất mạnh và đầy triển vọng. Với việc xác lập tầm nhìn chiến lược phù hợp; ưu tiên các điều kiện để tăng cường khả năng hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển, cùng cải cách thể chế mạnh mẽ sẽ giúp tỉnh từng bước khẳng định vị thế trung tâm và vai trò là một động lực, dẫn dắt kinh tế của vùng.