Khẳng định vai trò mũi nhọn của ngành du lịch
Hướng tới hình ảnh đô thị du lịch biển hấp dẫn, thân thiện và là trung tâm vui chơi, giải trí cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực phía Bắc Trung bộ, những năm qua TP Sầm Sơn đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Để làm cơ sở cho du lịch phát triển bền vững, thành phố chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quan tâm thực hiện có trọng điểm, bài bản. Với phương châm “Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch Sầm Sơn - an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững”, thành phố đã ban hành nhiều phương án quản lý, tổ chức, kinh doanh dịch vụ du lịch. Qua đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch được quản lý hiệu quả; các vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch được xử lý kịp thời; hiện tượng ép giá, ép khách được kiểm soát; tình trạng ăn xin, bán hàng rong tại các khu, điểm du lịch được đẩy lùi...
Nhờ sự quyết tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đến nay du lịch Sầm Sơn không chỉ khẳng định được vị thế của ngành mũi nhọn, mà còn đưa Sầm Sơn trở thành đầu tàu du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Riêng năm 2023, du lịch Sầm Sơn đã đạt được nhiều kết quả rất nổi bật. Cụ thể, thành phố đã đón được 7,952 triệu lượt khách, bằng 112,8% so với cùng kỳ và bằng 109,7% kế hoạch; phục vụ trên 15,056 triệu ngày khách, bằng 105,7% so với cùng kỳ và bằng 101,8% so với kế hoạch. Tổng doanh thu ước đạt 14.289,8 tỷ đồng, bằng 102,9% so với cùng kỳ và bằng 100,6% so với kế hoạch. Cùng với đó là hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, với 710 cơ sở lưu trú/25.000 phòng; trong đó, trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 6.955 phòng. Ngoài ra còn có 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024 thành phố đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách; phục vụ 16,5 triệu ngày khách; doanh thu đạt 15.725 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố chú trọng công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Đồng thời, nâng cao văn hóa, văn minh và hình ảnh công dân đô thị du lịch; kỹ năng nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong phục vụ, giao tiếp, ứng xử; ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo vệ hình ảnh du lịch Sầm Sơn...
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, du lịch. Trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung khai thác thị trường khách du lịch tại TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; từng bước khai thác thị trường khách du lịch các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ, nhất là vào những tháng mùa đông. Phát triển các tuyến du lịch từ các tỉnh, thành phố kết nối với tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, làm cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Hoàn thiện và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch trong thành phố, giữa thành phố với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng đa dạng, hấp dẫn, độc đáo. Đặc biệt là tiếp tục hướng đến xây dựng Sầm Sơn là thành phố lễ hội bốn mùa, với những chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc, hấp dẫn du khách. Bên cạnh các lễ hội truyền thống như lễ hội du lịch biển, lễ hội Carnival đường phố, lễ hội hoa, lễ hội Tình yêu - hòn Trống Mái...; thành phố cũng song song tổ chức các sự kiện, lễ hội mới như lễ hội diều tại khuôn viên bãi biển; lễ hội ánh sáng; lễ hội ẩm thực. Đồng thời, tích cực vận động các doanh nghiệp du lịch nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hiện có và xây dựng các gói sản phẩm kích cầu, ưu đãi có cam kết về chất lượng; xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách.