Khẳng định vai trò xuyên suốt của Mặt trận Tổ quốc trong bầu cử
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia tổ chức tốt các bước, các công việc để ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Quốc hội cũng đã có Nghị quyết lấy Chủ nhật, ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử.
Xác định tham gia tổ chức bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm, từ cuối năm 2020 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia tổ chức tốt các bước, các công việc để ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội của toàn dân, qua đó khẳng định vai trò và những đóng góp xuyên suốt của Mặt trận trong công tác bầu cử.
Cơ sở chính trị và pháp lý
Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác bầu cử được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật Bầu cử), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành luật liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, thể hiện Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Trong 98 điều của Luật Bầu cử có tới 40 điều quy định về vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia công tác bầu cử. Theo đó, nội dung công tác của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong bầu cử có sáu nhiệm vụ chủ yếu gồm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp. Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp ở xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức người được giới thiệu ứng cử. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.
Bên cạnh đó, Mặt trận có trách nhiệm tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử; thực hiện quyền giám sát việc bầu cử thông qua việc cử đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc tự mình tổ chức các đoàn giám sát thực hiện các công việc bầu cử.
Đảm bảo thành công những bước quan trọng
Cùng với việc tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở Trung ương và địa phương; nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, chỉ đạo phục vụ công tác bầu cử, một công việc quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp là tổ chức các hội nghị hiệp thương.
Theo Điều 38, Điều 39, Điều 43, Điều 44, Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 53, Điều 56 của Luật Bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm phối hợp tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử. Với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức thành công ba vòng hiệp thương ở cả Trung ương và địa phương, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng tiến độ.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là sự kiện mở đầu trong quy trình hiệp thương ba vòng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, được tổ chức để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo kết quả sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả do Trung ương và địa phương giới thiệu) là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (500 đại biểu). Về việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656/3.715 đại biểu được bầu theo luật định, đạt tỷ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu.
Tiếp nối thành công của các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trong các ngày từ 15-19/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai.
Theo số liệu tại Báo cáo số 326/BC-MTTW- BTT ngày 16/5/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, ở cả Trung ương và địa phương, tổng số người được đưa vào danh sách sơ bộ là 1.085 (trong đó 205 người của Trung ương và 880 người của địa phương), đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu.
Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương chuẩn bị các nội dung cho hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trong giai đoạn này Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức năm Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử (đợt một) ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình triển khai công tác bầu cử; tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương về khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đối với địa phương và đề xuất phương án giải quyết kịp thời.
Trong các ngày từ 14-18/4/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 870, đạt tỷ lệ số dư là 1,74 lần.
Tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 6.201 trên tổng số đại biểu được bầu theo quy định là 3.727 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,67 lần so với tổng số đại biểu được bầu. Con số này ở danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện là 37.463 người, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là 405.110 người.
Sau khi tổ chức thành công ba hội nghị hiệp thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện lịch trình theo các kế hoạch đã được xây dựng trước đó về những nội dung công tác bầu cử thuộc trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú; giám sát việc thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử; tiếp công dân về nội dung liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử; hướng dẫn công tác tuyên truyền bầu cử cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương; tập hợp dư luận xã hội về công tác bầu cử; thực hiện các hình thức để tuyên truyền về bầu cử...
Bằng sự nỗ lực của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, hội nghị tiếp xúc cử tri đã được tổ chức dân chủ, đúng luật, góp phần vào thành công cho cuộc bầu cử. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sau khi thống nhất với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ngày 4/5/2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành ngay hướng dẫn bổ sung về cách thức tiếp xúc cử tri phù hợp với công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, với sự tham mưu, phối hợp của Mặt trận, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng đã ban hành văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 13/4 về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh; văn bản số 684/HĐBCQG-TBVBPLTTTT ngày 15/5/2021 về việc một số vấn đề cần tiếp tục lưu ý trong quá trình tổ chức bầu cử.
Để phấn đấu đạt kết quả 100% cử tri đi bỏ phiếu, đặc biệt ở những nơi xa xôi như biên giới, hải đảo, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tuyên truyền về công tác bầu cử. Nội dung này càng được quan tâm thực hiện hơn ở những nơi bỏ phiếu sớm. Thông qua hai kênh quan trọng là đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận, những thông tin cần thiết về cuộc bầu cử đã đến được trực tiếp với người dân, góp phần để người dân tích cực thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ tham gia bầu cử.
Tích cực, công tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ
Từ thực tiễn công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua, có thể thấy, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã bám sát nhiệm vụ được pháp luật quy định và quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo bầu cử; xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan trung ương, để các nội dung công việc được thực hiện đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
Trong quá trình tham gia tổ chức bầu cử, Mặt trận đã bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức các bước trong quy trình hiệp thương một cách dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật; qua đó lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bảo đảm về tiêu chuẩn, đồng thời đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân; phối hợp với Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan làm tốt việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của người ứng cử, của cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Đây là tiền đề quan trọng, quyết định đến chất lượng đại biểu, thành công của cuộc bầu cử.
Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương, tạo điều kiện để các đại biểu tham dự hiệp thương có đầy đủ thông tin, được trao đổi, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình và có quyết định đúng đắn; đẩy mạnh các hình thức trao đổi, bàn bạc trong Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp để hội nghị hiệp thương có sự tập trung trí tuệ của các thành viên khối Mặt trận, tăng cường trao đổi dân chủ để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Phát huy vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nơi người ứng cử làm việc, công tác; đặc biệt phát huy hiệu quả ở Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn trong tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để giới thiệu, nhận xét, lấy tín nhiệm đối với người ứng cử trước khi hiệp thương lần thứ ba giới thiệu danh sách người ứng cử; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các ứng cử viên tham gia bảo đảm số dư theo đơn vị bầu cử; tổ chức các hội nghị để người ứng cử vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật.
Đánh giá về sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng trong thời gian qua; tích cực, công tâm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong chuẩn bị bầu cử; bảo đảm các bước, các khâu giới thiệu đại biểu, hiệp thương, tham gia chuẩn bị dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Trung ương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tích cực tham gia tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ngày bầu cử...
Nhấn mạnh rằng từ nay tới ngày 23/5 và sau đó nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc vẫn rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phát huy tốt vai trò; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bầu cử; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, đơn vị trong các hoạt động bảo đảm phục vụ công tác bầu cử; đẩy mạnh việc nắm bắt dư luận xã hội để tuyên truyền về bầu cử; kiến nghị, phản ánh tới các cấp ủy, chính quyền xử lý các vụ việc phát sinh để kịp thời giải quyết trước ngày bầu cử./.