Khẳng định vị thế và 'sức mạnh mềm' của ngoại giao nghị viện
Năm 2023 là một năm bận rộn, vất vả nhưng cũng rất thành công của Quốc hội. Đóng góp vào thành công chung đó, hoạt động ngoại giao nghị viện đã diễn ra sôi động, tích cực, đa dạng, toàn diện, hiệu quả trên các bình diện song phương và đa phương. Trong đó, có những sự kiện được bạn bè quốc tế đánh giá là 'hoàn hảo', thành công vượt bậc, là điểm nhấn nổi trội trong một năm ngoại giao nghị viện sôi động nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Những kết quả đó góp phần khẳng định, làm nổi bật vị thế và 'sức mạnh mềm' của ngoại giao nghị viện - một trong ba trụ cột được Đảng ta xác định nhất quán để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Đại sứ NGÔ QUANG XUÂN để làm rõ hơn chủ đề này.
Sôi động, tích cực, toàn diện và hiệu quả
- Qua hơn nửa chặng đường thực hiện đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngành ngoại giao và đối ngoại cả nước đã đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng, trở thành “điểm sáng” đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước. Trong những kết quả đó, chắc chắn không thể thiếu vai trò của ngoại giao nghị viện, thưa ông?
- Đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng ta đề ra rất thực tiễn. Bằng chứng là mọi hoạt động đối ngoại trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là năm 2023, gặt hái được rất nhiều thành công, góp phần nâng tầm vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Như tổng kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12.2023), đó là các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".
Thực tế, Việt Nam, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV.2023), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Trong những thành tựu và kết quả chung đó, với vị thế là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Quốc hội nước ta đã có những đóng góp quan trọng và rất xứng đáng vào việc triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Việt Nam cả trên bình diện song phương và đa phương.
- Từng là Đại sứ Việt Nam tại nhiều tổ chức quốc tế lớn (Tổ chức Thương mại Thế giới, Liên Hợp Quốc…) và sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, theo ông, ngoại giao nghị viện có lợi thế gì so với ngoại giao nhà nước và ngoại giao Nhân dân?
- Đảng ta đã xác định rất rõ: Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Trong đó, đối ngoại của Quốc hội nằm trong trụ cột ngoại giao nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Dù là hình thức nào, thì cả ba trụ cột nêu trên đều dựa trên một nền tảng chung là đường lối đối ngoại của Đảng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân, tuy nhiên, sự vận dụng và nội dung, tính chất hoạt động của từng “mặt trận” có khác nhau.
Theo tôi, khả năng tiếp cận các đối tác của ngoại giao nghị viện dễ hơn so với ngoại giao Chính phủ, và cũng có những mặt thuận hơn so với ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nghị viện do các nghị sĩ tiến hành. Ở bất kỳ quốc gia nào, nghị sĩ đều là đại biểu của dân, do dân bầu. Khi nghị sĩ lên tiếng thì động lực của họ là một cộng đồng dân cư này nói với cộng đồng dân cư khác, một dân tộc này với một dân tộc khác mà nghị sĩ là người đại diện, qua đó nối dài quan hệ ngoại giao giữa quốc gia với quốc gia, giữa Nhân dân với Nhân dân. Nói cách khác, ngoại giao nghị viện vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, tiên phong, mở đường cho các mối quan hệ hợp tác không chỉ trên bình diện song phương giữa Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện các nước, mà còn trên bình diện đa phương với các tổ chức hợp tác liên nghị viện khu vực và toàn cầu. Tôi gọi đây là “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện.
Khai thác và phát huy lợi thế này, trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là năm 2023, qua theo dõi, tôi nhận thấy, hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam diễn ra rất sôi động, tích cực, đa dạng, toàn diện với những phương thức và cách làm mới, để lại nhiều dấu ấn, kết quả nổi bật, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Năm qua, Quốc hội đã đón hơn 10 đoàn Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm chính thức Việt Nam và Lãnh đạo Quốc hội nước ta cũng đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, công tác tới các quốc gia tham dự các diễn đàn đa phương. Trong đó, nhiều Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội/Nghị viện các nước đã được ký mới hoặc ký lại. Qua hoạt động ngoại giao nghị viện song phương với nghị viện các nước cũng như đa phương tại các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới (như AIPA, IPU, APPF, APF...), Lãnh đạo Quốc hội nước ta đã thể hiện được vị thế của Quốc hội Việt Nam, nâng tầm hiệu quả và chất lượng của ngoại giao nghị viện.
Khó có thể định lượng, tính thành tiền, thành gạo, nhưng có thể thấy, ngoại giao nghị viện đã có những đóng góp rất lớn, cụ thể thông qua việc thực hiện các chức năng cơ bản của Quốc hội là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó bao gồm những quyết đáp chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước và các lĩnh vực hoạt động cụ thể.
- Trong tổng thể những kết quả đó, ông ấn tượng với hoạt động đối ngoại nào của Quốc hội?
- Theo quan sát của tôi, một trong những dấu ấn rất nổi bật của ngoại giao nghị viện trong năm 2023 là việc Quốc hội Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội (tháng 9.2023). Đây không những là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của nước ta trong năm 2023 mà còn là điểm nhấn trong một năm mà ngoại giao nghị viện diễn ra sôi động nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hoạt động này cũng được bình chọn là một trong 10 sự kiện vấn đề, sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023. Bạn bè quốc tế và các nghị sĩ trẻ - thế hệ lãnh đạo tương lai của các quốc gia trên thế giới, tham dự Hội nghị đều đánh giá rất cao công tác tổ chức của Quốc hội Việt Nam. Trả lời truyền thông về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới nói rằng, ông chỉ dùng mấy từ để nói đến Hội nghị này, đó là “tuyệt vời” và “hoàn hảo”, và trong thành công hoàn hảo đó có vai trò của nước chủ nhà. Điều đó khẳng định, kết quả và thành công của ngoại giao nghị viện không phải đánh giá chủ quan của chúng ta, mà là những nhận định rất khách quan của bạn bè quốc tế.
Trong tổng thể kết quả của hoạt động đối ngoại, ngoại giao nghị viện có đóng góp tích cực với nhiều chuyến thăm cấp cao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng như nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước đến thăm. Cùng với đó, các Đoàn do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đoàn cấp Ủy ban và nhóm nghị sĩ hữu nghị, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trẻ… cũng diễn ra rất sôi động, hiệu quả và gặt hái nhiều thành công. Và, nhân các chuyến thăm chính thức, làm việc tại châu Âu, Lãnh đạo Quốc hội nước ta đều đề nghị các nước trong Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ, đẩy mạnh việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thúc đẩy các nước thành viên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và các hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng đã ký khác.
Từ những kết quả cụ thể và sinh động đó có thể khẳng định vai trò, vị thế của ngoại giao nghị viện ngày càng được củng cố, phát triển và có vị trí ngày càng rõ nét trong tổng thể nền ngoại giao và hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa qua cũng đã nhấn mạnh và đánh giá cao vai trò, vị thế cũng như những đóng góp nổi bật của ngoại giao nghị viện. Tôi hy vọng và chờ đón các hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ ngày càng năng động, mạnh mẽ với hiệu quả cao hơn nữa.
Khắc họa sinh động một nền ngoại giao, đối ngoại nghị viện mang bản sắc "cây tre Việt Nam"
- Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên chia sẻ về trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, đó là “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Theo cá nhân ông, bản sắc “ngoại giao cây tre” được thể hiện như thế nào trong ngoại giao nghị viện, thưa ông?
- Nền ngoại giao của chúng ta là nền ngoại giao Hồ Chí Minh. Bác Hồ vừa là Chủ tịch nước, vừa là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, là người đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam. Nguyên tắc bất di bất dịch của ngoại giao nước ta là phải bảo vệ được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và, Người cũng đã vận dụng rất chuẩn chỉ, linh hoạt, có hiệu quả triết lý ngoại giao mang đậm màu sắc phương Đông này. Để bảo vệ được nguyên tắc nêu trên đòi hỏi các hoạt động đối ngoại, trong đó có ngoại giao nghị viện, phải mềm dẻo, thông minh, linh hoạt. Tất nhiên, linh hoạt ở đây không có nghĩa là tùy tiện, và sáng tạo không có nghĩa là phá nguyên tắc. Trong mọi trường hợp phải bám chắc nguyên tắc “dĩ bất biến”, nhưng, nếu “dĩ bất biến” mà cứng đờ thì còn nguy hại hơn, phải “ứng vạn biến”, có khi làm hỏng cả sự nghiệp lớn của dân tộc.
Rất mừng là trong quá trình thực hành những nguyên tắc và phương châm cơ bản đó, hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại nghị viện nói riêng của chúng ta ngày càng được củng cố, có sự kế thừa, phát triển và vận dụng nhuần nhuyễn.
Đúng như tổng kết vừa mang tính lý luận, vừa thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, đó là hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".
- “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ở đây nên hiểu và vận dụng như thế nào để có thể mang lại hiệu quả cao nhất, thưa ông?
- “Gốc vững”, “thân chắc” ở đây, theo tôi, chính là những nguyên tắc “bất di bất dịch” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cũng như của sự nghiệp cách mạng và nền ngoại giao Việt Nam. Trên nền tảng đó, đường lối đối ngoại của chúng ta, trong đó có ngoại giao nghị viện, được triển khai thực hiện một cách rất linh hoạt, mềm mỏng, “uyển chuyển”. Trong phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại”.
Kết quả của hoạt động ngoại giao và đối ngoại nghị viện nửa nhiệm kỳ qua và trong năm 2023 cho thấy, chúng ta không những đã bảo vệ được “màu cờ sắc áo”, tiếp tục giữ vững độc lập chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, mà còn góp phần nâng tầm vị thế quốc gia; bạn bè quốc tế ngày càng yêu quý và chào đón Việt Nam.
Nhìn một cách toàn diện và biện chứng, thì những kết quả to lớn đó đã góp phần khắc họa sinh động một nền ngoại giao và đối ngoại mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa tư tưởng của thế giới, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong tổng thể chung đó, những kết quả từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2023 đã cho thấy, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã khẳng định và phát huy được vị thế, vai trò và “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, góp phần hiện thực hóa đúng và hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng ta. Đó là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
- Xin cảm ơn ông!