Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Sáng 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế cùng phối hợp tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề 'Giáo dục, vận động, hành động ngay', nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Năm 2023, chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025.
Theo ông Trần Văn Thuấn để đạt được các mục tiêu này, ngành Y tế và chính quyền địa phương cần huy động, hỗ trợ tài chính và nguồn lực để triển khai kế hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, cung cấp các tài liệu hướng dẫn chi tiết và dễ áp dụng cho các cơ sở y tế. Ngoài ra, sự phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp, môi trường và các cơ quan liên quan, là yếu tố then chốt bảo đảm kế hoạch, chiến lược quốc gia được thực hiện thành công.
Chia sẻ về kế hoạch hành động, Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cụ quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết kế hoạch này tập trung vào 5 trọng tâm cụ thể. Thứ nhất kháng kháng sinh không phải là câu chuyện đơn thuần của ngành Y tế, do đó cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan để thực hiện mục tiêu chung là phòng chống kháng thuốc.
Thứ 2 là tập trung vào truyền thông để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, người dân, doanh nghiệp và đến cán bộ y tế. “Bởi vì đây là công việc chung không phải là công việc của đơn lẻ. Đòi hỏi sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp chứ không riêng y tế” - ông Đức nhấn mạnh.
Thứ 3 là tập trung vào việc giám sát để nắm bắt được thực trạng kháng kháng sinh đang diễn ra như thế nào, đang lan tràn ra sao trên phạm vi đất nước của chúng ta. Đây là trách nhiệm chính của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế.
Thứ 4 là thông qua hướng dẫn chuyên môn cập nhật kể cả hội nhập với quốc tế để có biện pháp điều trị triệt để các ca bệnh giảm thiểu sự lây lan. Đặc biệt là vi khuẩn.
Thứ 5 tập trung sử dụng thuốc kháng vi sinh vật một cách an toàn hiệu quả và có trách nhiệm.