Khánh Hòa công khai tiền công đức ở di tích Tháp Bà Ponagar
Toàn bộ tiền công đức, tài trợ tại di tích Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang sẽ được Khánh Hòa công khai để tạo sự minh bạch và sẽ trích một phần tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi di tích khác trên địa bàn tỉnh này.
Ngày 16/9, Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa cho biết vừa nhận được quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Quy chế quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ tại Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar.
Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa sẽ mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Đối với việc tiếp nhận tiền mặt, trung tâm sẽ cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ. Đối với tiền trong thùng công đức, định kỳ mỗi tháng một đến 2 lần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Riêng trong những ngày diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar, Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp mở đột xuất, việc mở thùng công đức do Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quyết định. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào thùng công đức để kiểm đếm chung.
Quy chế này còn nêu rõ, tiền công đức, tài trợ phải nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản tiền gửi của Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa để bảo đảm quản lý an toàn, minh bạch; lãi tiền gửi (nếu có) được bổ sung vào tiền công đức, tài trợ để quản lý, sử dụng theo quy định. Đối với việc tiếp nhận kim khí quý, đá quý, mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp…
Đối với số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận, trích 10% để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh; trích để lại 25% để chi cho công tác tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar; trích để lại 20% để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa, năm 2022, số tiền công đức thu tại Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar hơn 4 tỉ đồng và được quản lý theo quy chế địa phương đã ban hành. Việc tỉnh xây dựng quy chế mới lần này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Di tích Tháp Bà Ponagar có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII và được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1979. Đến năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di tích này là điểm thu hút người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến Nha Trang, trung bình mỗi ngày di tích đón khoảng 3.000 - 4.000 lượt khách tham quan.